24h
Yeah1 News

Bí ẩn về bức thư bị "phong ấn" ở thủy điện Hòa Bình: Viết trên giấy Liên Xô, năm 2100 mới được mở?

Thứ tư, 06/09/2023 | 19:01 (GMT+7)

Thực hư về bức thư bị "phong ấn" trong khối bê tông ở thủy điện Hòa Bình, được cho là chỉ mở vào trăm năm sau khiến ai cũng tò mò.

Thủy điện Hòa Bình không chỉ là công trình nổi tiếng về mặt kỹ thuật, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân mà còn được nhiều người truyền miệng về bí ẩn xung quanh bức thư bị "phong ấn" nơi đây. Theo đó, trước nhà máy thủy điện Hòa Bình có đặt một khối bê tông hình kim tự tháp cỡ nhỏ, được rào chắn xung quanh cẩn thận.

Nếu quan sát kỹ sẽ thấy mặt trước của khối bê tông này có tấm biển kim loại màu vàng hình vuông với họa tiết trang sách bên trong, in đậm dòng chữ "Nơi đây lưu giữ bức thư của những người xây dựng thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau - thư này sẽ được mở vào ngày 1/1/2100" bằng tiếng Việt và tiếng Nga. 

Nơi cất giữ bức thư bí ẩn ở nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Nơi cất giữ bức thư bí ẩn ở nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Ngược dòng thời gian, vào ngày 30/1/1983, ngay tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã tổ chức lễ đặt "bức thư gửi thế hệ mai sau" với sự tham gia hàng nghìn người là cán bộ, công nhân xây dựng nhà máy cùng 250 đại biểu thanh niên Liên Xô sang thăm Việt Nam. Tổng chỉ huy công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình là ông Ngô Xuân Lộc khi đó là người đọc thư bằng tiếng Việt và Bí thư đảng ủy Đoàn chuyên gia Liên Xô khi đó - đồng chí Giaseplin - là người đọc thư bằng tiếng Nga. 

Hai bức thư sau đó được xử lý bằng cách cuộn lại, đặt vào thỏi đồng khoan rỗng, đậy nắp lại rồi bỏ vào lòng khối bê tông. Ông Bogachenko - Tổng chuyên viên Liên Xô trên công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình, ông Vũ Mão - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Ngô Xuân Lộc - Tổng chỉ huy xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình và bà Xavitxkaia - nữ phi hành gia vũ trụ thứ 2 của thế giới, thành viên của Đoàn TNCS Liên Xô sang thăm Việt Nam là 4 người dùng tua vít bắt ốc cố định tấm biển trên khối xi măng. 

Khung cảnh thủy điện Hòa Bình nhìn từ trên cao.
Khung cảnh thủy điện Hòa Bình nhìn từ trên cao.

Được biết người đề xuất ý tưởng viết bức thư này là ông Bogachenko - Tổng chuyên viên Liên Xô khi đó vì ông cho biết Liên Xô và các nước trên thế giới thường viết một bức thư và bỏ vào một chiếc chai hoặc lọ thủy tinh đậy kín rồi chôn vào thân đập khi xây đập thủy điện. Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Mười góp ý rằng ở Việt Nam không có tục lệ này, cho nên không được "chôn" vào lòng đập mà nên được tiến hành trang trọng, khối bê tông giữ bức thư cũng được lên ý tưởng từ đó. 

Thế nhưng sau khi bức thư được "phong ấn" vào khối bê tông thì nội dung bên trong cũng trở thành một bí ẩn. Có thông tin cho rằng ban tổ chức đã tập hợp những nội dung hay nhất, độc đáo nhất trong những bức thư gửi về tổng công ty thời điểm đó để tạo nên bức thư chung, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước thông qua. Một cán bộ viết chữ đẹp được giao nhiệm vụ chép lại bức thư thành 2 bản tiếng Việt và tiếng Nga bằng mực Tàu, giấy được sử dụng là loại có chất liệu đặc biệt gửi từ Liên Xô sang.

Về lý do phải đến năm 2100 mới được mở bức thư, nguyên Trưởng ban phiên dịch tiếng Liên Xô Đỗ Xuân Duy từng lý giải rằng: "Nếu chọn đúng 100 năm sau mở thư thì rất có thể nhiều người sinh năm này vẫn còn sống, nên phải chọn đến năm 2100, bởi khó ai có thể sống đến 117 tuổi được".

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục