Ít ai biết hoạt hình Pokemon lại từng có 1 tập phim gây "chấn động" khi khiến hơn 10.000 trẻ em phải nhập viện sau khi bị mờ mắt, co giật và ám ảnh không ngừng.
Pokemon là một hoạt hình quen thuộc với nhiều trẻ em khi bộ phim xoay quanh những nhân vật và những loài thú "bảo bối" được huấn luyện có khả năng đặc biệt. Những nhân vật và câu chuyện trong hoạt hình này được xây dựng rất tươi sáng, hài hước. Thế nhưng riêng 1 tập phim bí ẩn trong series này lại trở thành nỗi ám ảnh cho các em nhỏ và khiến hàng chục nghìn trẻ em phải nhập viện.
Theo đó, 25 năm trước, vào tối ngày 16/12/1997, hàng trăm trẻ em trên khắp Nhật Bản bỗng được báo cáo đột nhiên bị co giật. Tổng cộng 685 trẻ, bao gồm 310 bé trai và 375 bé gái, đã được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện. Con số này nhanh chóng tăng lên chóng mặt khi chỉ trong vòng 2 ngày, có 12.000 trẻ em đã báo cáo các triệu chứng của bệnh tật.
Điều này đã khiến người dân không khỏi hoang mang. Khi cơ quan chức vào cuộc thì mới phát hiện, nguyên nhân gây ra sự việc trên là tập phim hoạt hình Pokemon thứ 38 trong series được phát sóng, có tên Dennō Senshi Porygon (tạm dịch là Người lính điện Porygon).
Tập phim này đã có phân cảnh ám ảnh khi nhân vật Pikachu chặn một quả tên lửa bằng chiêu Thunderbolt của mình, tạo ra vụ nổ với nhiều tia sáng đỏ và xanh xuất hiện liên tục. Hai hiệu ứng làm phim trong anime đã được sử dụng trong cảnh này, tên là “paka paka” và “flash” đã khiến đoạn phim trở nên rất khó chịu cho người xem. Những tia chớp xuất hiện nhấp nháy trong tần suất 12Hz suốt 6 giây liền đã ảnh hưởng tới thần kinh của các em nhỏ.
Sau khi tập phim này phát sóng, phân đoạn trên đã rất nhiều trẻ em đã gặp phải triệu chứng y tế khi bị mờ mắt, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn, có em bị động kinh, mù tạm thời, co giật và mất nhận thức. Có em còn nôn ra máu, bất tỉnh phải nhập viện ngay lập tức, khiến phụ huynh vô cùng hoang mang và lo lắng.
Các nhà sản xuất phim hoạt hình Pokemon sau đó đã bị cảnh sát thẩm vấn, Bộ Y tế Nhật Bản cũng họp khẩn về sự việc này. Thời điểm đó, sự việc trên đã gây bão truyền thông Nhật Bản và thế giới. Truyền thông cũng gọi vụ ồn ào chấn động này là "Pokemon Shock".
Ảnh: tổng hợp