24h
Yeah1 News

Bé trai 10 tuổi ở Hải Dương đi học về bị ong đốt hơn 100 vết, không qua khỏi

Thứ bảy, 23/09/2023 | 09:46 (GMT+7)

Các bệnh viện ghi nhận nhiều ca nguy hiểm do bị ong đốt. Trong đó có bé trai 10 tuổi ở Hải Dương không qua khỏi sau khi bị ong đốt hơn 100 vết.

Từ đầu tháng 9 đến nay, theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, có 3 bệnh nhân bị ong đốt với các dấu hiệu nguy kịch. Trong đó, trường hợp của bé trai 10 tuổi ở tỉnh Hải Dương bị ong đốt hơn 100 vết trên đường đã tử vong.

Được biết, bệnh nhi tên B.L. (10 tuổi, trú tỉnh Hải Dương) được đưa vào viện ngày 18/9. Theo lời kể của gia đình, trên đường đi học về, bé trai B.L. bị đàn ong vò vẽ bu vào người và tấn công. Chúng liên tục đốt lên người em khiến cả người có hơn 100 vết ong đốt rải khắp cơ thể.

Hình ảnh con ong tấn công bé trai được gia đình chụp lại
Hình ảnh con ong tấn công bé trai được gia đình chụp lại

Bé trai được đưa đến cơ sở y tế để xử lý vết thương, truyền dịch, dùng thuốc giảm đau cũng như thuốc chống dị ứng. Tuy nhiên, tình trạng của bé trai không khả quan. Cậu bé xuất hiện triệu chứng khó thở liên tục, sau đó được chuyển vào Bệnh viện Nhi Trung ương để nhận được sự chăm sóc, điều trị của các y bác sĩ.

Khi bé B.L. được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương đã là 5 giờ sau khi bị ong đốt. Bé bắt đầu có dấu hiệu suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu tiến triển nhanh chóng. Bệnh nhi được thở máy, lọc máu liên tục và lọc máu hấp phụ độc chất. Tuy nhiên, tình hình diễn biến ngày càng xấu. Vì suy tuần hoàn nặng nên các bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ các chức năng khác của cơ thể.

Sau 2 ngày, bé trai 10 tuổi vẫn không cải thiện sức khỏe. Cuối cùng, bé B.L. tử vong khi suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng và không đáp ứng được các biện pháp điều trị.

Nhiều trường hợp trẻ bị ong đốt suốt thời gian qua
Nhiều trường hợp trẻ bị ong đốt suốt thời gian qua

Trước đó, 2 bệnh nhi khác được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cũng do ong đốt khi đang đi hái ổi là bé 12 tuổi và 9 tuổi. Trong đó, bé 12 tuổi bị đốt khoảng 50 vết ở đầu và cổ, bé 9 tuổi có 30 vết đốt cũng ở đầu, cổ và sau gáy. Cả 2 trẻ đều xuất hiện tình trạng sốt cao, khó thở, tiểu sẫm màu. 

Sau khi được đưa vào bệnh viện, bé 12 tuổi đã nguy kịch với các dấu hiệu suy đa tạng, suy hô hấp do tổn thương phổi nặng, trụy mạch, tổn thương cơ tim, suy gan, suy thận... Nhận được sự điều trị, hiện tình hình cả 2 bé đều đã dần ổn định.

Đối với trẻ sống ở các vùng nông thôn càng có nguy cơ bị ong đốt
Đối với trẻ sống ở các vùng nông thôn càng có nguy cơ bị ong đốt

Cách xử lý khi trẻ bị ong đốt

Khi phát hiện trẻ bị ong đốt, cần tuân theo các bước sau đây để xử lý tình huống:

Lấy nhíp gắp (nếu vòi chích nổi lên): Nếu vòi chích của ong nằm trên bề mặt da, bạn có thể cố gắng lấy vòi chích ra bằng cách sử dụng nhíp gắp. Hãy đảm bảo không nặn vùng bị đốt, vì điều này có thể gây nhiễm trùng và tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Rửa sạch vùng bị đốt: Sử dụng xà phòng và nước lạnh để rửa sạch vùng da bị đốt. Nếu có sẵn, bạn cũng nên sát khuẩn vùng bị đốt bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn.

Chườm lạnh: Chườm vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc đặt một túi nước đá lên da khoảng 10 phút. Điều này giúp giảm sưng, ngứa và giảm đau.

Theo dõi triệu chứng nghiêm trọng: Nếu trẻ bị nhiều vết đốt, bị đốt ở các vùng như đầu, cổ, hoặc có triệu chứng như phù nề lan nhanh, sốt, mệt mỏi, khó thở, nước tiểu ít dần, hoặc nước tiểu màu đỏ như máu, ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện hoặc gọi ngay số cấp cứu để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Lưu ý rằng việc xử lý bị đốt ong cần phải thực hiện cẩn thận để tránh tình trạng trầy xước da và nhiễm trùng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Ngoài ra, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để nhận được sự thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời của các y bác sĩ.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news
Từ khóa: bé trai   Hải Dương   ong đốt  

Cùng chuyên mục