Một số người sau khi được cấp CCCD gắn chip vẫn không chịu bỏ CMND cũ mà sử dụng trong hoạt động cuộc sống sẽ dễ gây nên hậu hoạ khôn lường về sau.
Hiện nay, nhà nước khuyến khích người dân nên làm thủ tục đổi sang CCCD gắn chip thay vì sử dụng CMND bản giấy như trước kia để thuận tiện hơn trong việc lưu trữ thông tin cá nhân và đồng bộ hoá với nhiều giấy tờ khác.
Theo Khoản 3, Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA, từ ngày 15/5/2021, cán bộ công an sẽ bắt đầu thu lại CMND (Chứng minh nhân dân), thẻ Căn cước công dân đang sử dụng khi công dân làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ CCCD có gắn chip.
Điều này đồng nghĩa với việc cấp Căn cước công dân (CCCD) mới thì thẻ CMND cũ của công dân đó sẽ bị thu hồi. Khi đó, CMND cũ sẽ không còn giá trị sử dụng sau này. Nguyên nhân là do pháp luật chỉ công nhận một loại giấy tờ tùy thân duy nhất ở thời điểm đó (CMND hoặc CDDD).
Tuy nhiên, nhiều công dân sau khi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip mới thì vẫn tiếp tục sử dụng CMND cũ. Chính vì vậy ở một số nơi, cơ quan chức năng sẽ thu lại CMND cũ hoặc dùng cách cắt góc CMND cũ để làm mất hiệu lực, tránh việc công dân tiếp tục sử dụng CMND trong khi đã có CCCD mới.
Mặc dù vậy, trong trường hợp thẻ CMND cũ không được thu lại hay cắt góc, người dân vẫn có xu hướng sử dụng loại thẻ này khi đi làm các thủ tục hành chính hoặc giao dịch hợp đồng. Điều này tuyệt đối không nên vì nó dễ khiến công dân đó gặp rắc rối, hậu hoạ khôn lường về sau.
Việc khai thác thông tin cá nhân khi làm các thủ tục hành chính, hợp đồng... đều không có giá trị pháp lý hoặc văn bản thoả thuận không được công nhận nếu dùng CMND cũ.
Ngoài ra, sau khi có CCCD gắn chip, toàn bộ thông tin cá nhân của công dân đều được cập nhật trên hệ thống máy tính. Mỗi lần làm thủ tục, chỉ cần cung cấp mã QR Code là có thể xác nhận danh tính mà không cần thêm bất kỳ giấy tờ nào khác.
Điều này khác hoàn toàn với việc sử dụng CMND. Khi sử dụng CMND, mỗi lần muốn giải quyết các thủ tục hành chính, pháp lý thì cần mang theo CMND bản photo có công chứng hoặc những giấy tờ chứng minh khác. Từ đó dẫn đến việc xử lý, cập nhật thông tin mất thêm nhiều thời gian.
Không những thế, nếu thông tin cá nhân của công dân bị tuồn ra bên ngoài, kẻ gian chỉ cần có thêm CMND hoặc CCCD cũ của người đó thì có thể làm giả nhiều giấy tờ nhằm mục đích lừa đảo, vay tiền... Việc người dân cố tình sử dụng CMND hoặc CCCD cũ trong lúc đã có CCCD gắn chip mới khi làm các thủ tục, giao dịch về hành chính thì có thể bị phạt hành chính vì lỗi không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD . Mức phạt có thể dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng tuỳ theo từng trường hợp (theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021).
Chính vì những rủi ro trên nên cơ quan chức năng khuyến khích người dân sau khi có CCCD gắn chip thì nên dừng sử dụng CMND hoặc CCCD cũ để tránh xảy ra những chuyện không may. Chỉ nên dùng duy nhất thẻ CCCD mới nhất trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ thông tin. Tuyệt đối tránh sử dụng CMND hoặc CCCD cũ, không còn hiệu lực pháp lý.
Ảnh: Tổng hợp