Mặc dù có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, ít ai biết rằng tỉnh Hậu Giang vẫn thuộc diện sáp nhập do không đủ quy mô về dân số.
Thông tin liên quan đến những đơn vị hành chính không đảm bảo đủ quy mô về diện tích và dân số theo quy định sẽ thuộc diện đề xuất sáp nhập được dư luận quan tâm. Theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định vào năm 2021, những tỉnh miền núi, vùng cao phải đạt quy mô dân số từ 900.000 người trở lên với diện tích tự nhiên đạt từ 8.000 km2 trở lên. Những tỉnh còn lại phải đạt quy mô dân số từ đủ 1,4 triệu người trở lên với diện tích tự nhiên đạt từ 5.000 km2 trở lên thì mới không nằm trong diện đề xuất sáp nhập.
Căn cứ theo quy định này, 10 tỉnh, thành phố có dân số thấp nhất Việt Nam (theo số liệu năm 2019) không đạt quy chuẩn yêu cầu và có nguy cơ bị sáp nhập bao gồm tỉnh Bắc Kạn (313.905 người), tỉnh Lai Châu (460.196 người), tỉnh Cao Bằng (530.341 người), tỉnh Kon Tum (540.438 người), tỉnh Ninh Thuận (590.467 người), tỉnh Điện Biên (598.856 người), tỉnh Đắk Nông (622.168 người), tỉnh Quảng Trị (632.375 người), tỉnh Lào Cai (730.420 người) và tỉnh Hậu Giang (733.017 người).
Trong đó, đáng nói nhất là tỉnh Hậu Giang. Đây là tỉnh trực thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 1.602,5 km2. Hậu Giang là tỉnh có dân số thấp nhất khu vực Tây Nam Bộ và nằm trong diện đề xuất sáp nhập của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Hậu Giang lại khiến nhiều người bất ngờ.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Hậu Giang đạt mức 13,94% và là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ 4 cả nước (tăng 35 bậc so với năm 2021).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Hậu Giang tiếp tục dẫn đầu khu vực và thậm chí là đạt top đầu cả nước với tốc độ tăng trưởng 14,21%. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 34,97%, khu vực dịch vụ đạt 7,73%, khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,19%.
Được biết, nguyên nhân giúp tỉnh Hậu Giang từ một tỉnh nằm trong diện đề xuất sáp nhập, trở thành nơi có tốc độ tăng trưởng đáng ngạc nhiên là do các chính sách thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước nhờ vào sự hoàn thiện hạ tầng giao thông và sự đồng hành của tỉnh với các doanh nghiệp.
Tỉnh Hậu Giang nằm gần TP. Cần Thơ với 8 đơn vị hành chính bao gồm 2 thành phố (Vị Thanh và Ngã Bảy), 1 thị xã và 5 huyện. Trong đó, Vị Thanh là thành phố tỉnh lỵ của Hậu Giang, tập trung các trung tâm hành chính quan trọng của cả tỉnh. Một điểm đặc biệt khác là kênh xáng Xà No ở tỉnh Hậu Giang đã góp phần giúp địa phương này khai thác tiềm năng lúa gạo, nằm trong tuyến đường thủy của quốc gia từ TP.HCM đến Cà Mau.