Nhân vật Tôn Ngộ Không được khán giả nhận xét là "nam thần" màn ảnh đời đầu không phải vì nhan sắc mà bởi vì tính cách lịch thiệp, tốt bụng của mình.
Bộ phim "Tây Du Ký" của đạo diễn Dương Khiết được xem là tác phẩm tiêu biểu chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân. Dù trải qua gần 40 năm nhưng "Tây Du Ký" phát sóng năm 1986 vẫn gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều khán giả Việt.
Mới đây, trong một bài viết của trang tin Sina đã liệt kê một loạt những tính cách tốt đẹp của Tôn Ngộ Không và cho rằng nhân vật này chính là "nam thần" màn ảnh thời kỳ đầu. Trong bài viết "Các nam chính của tiểu thuyết hiện đại đều kém xa Hầu ca" đã thu hút hàng triệu lượt đọc cùng rất nhiều bình luận ủng hộ của khán giả.
Theo người xem Trung Quốc, Tôn Ngộ Không được xây dựng là nhân vật có tuổi thơ bất hạnh, không có người thân dạy dỗ, không ai chăm sóc, tự mình kiếm ăn và trưởng thành. Tuy vậy, những xấu xa của cuộc đời vẫn không khiến Tôn Ngộ Không biến chất, ngược lại "Hầu ca" còn là một người trượng nghĩa, hào hiệp, lương thiện và vô cùng hiểu chuyện.
Một khán giả nhận xét: "Tôn Ngộ Không bị giam cầm dưới chân núi 500 năm nhưng tính tình lương thiện vẫn trọn vẹn. Tôn Ngộ Không không hận đời mà biến thành kẻ ác, tâm hồn trong sáng, suy nghĩ đúng đắn và rất có chính kiến. Đây là nhân vật tiêu biểu của hình mẫu nam chính trong tiểu thuyết ngôn tình".
Khán giả khác phụ họa: "Tôn Ngộ Không luôn biết ơn với người giúp đỡ mình, cậu trả ơn cho chú bé chăn trâu, đối xử nhẹ nhàng, tử tế với người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Tôn Ngộ Không vì thương dân nên không tiếc lên Thiên Đình để đấu tranh đòi mưa cho dân chúng".
Nhiều người xem phim chỉ ra các chi tiết đắt giá góp phần làm nổi bật tính cách tốt đẹp của Tôn Ngộ Không. Minh chứng như chi tiết Tôn Ngộ Không gặp Thiết Phiến công chúa - vợ cả của Ngưu Ma Vương. Tuy là anh em kết nghĩa với Ngưu Ma Vương nhưng Tôn Ngộ Không rất lịch thiệp, nhún nhường khi gặp Thiết Phiến công chúa và bài trừ Ngọc Diện công chúa - cô bồ nhí của Ngưu Ma Vương. Việc Tôn Ngộ Không dọa đánh Ngọc Diện hồ ly được nhận xét là giống với tính cách của người thời hiện đại, không thích "tiểu tam", "tiểu tứ".
Trong tập thầy trò Đường Tăng đến nước Chu Tử, lúc quốc vương bị bệnh nặng còn hoàng hậu bị yêu quái bắt đi, Tôn Ngộ Không đã xung phong đi giải cứu. Tôn Ngộ Không đã nói một câu: "Không biết vị thần nào đã tặng cho nương nương chiếc áo gai ngũ sắc nên 3 năm qua, con yêu quái kia không thể chạm vào nương nương". Chi tiết này được nhận xét rất tinh tế vì thời xưa, người ta quan niệm coi trọng sự trong sạch của người phụ nữ.
Được biết, bộ phim "Tây Du Ký" sản xuất năm 1986 được phát sóng lại nhiều lần nhất lịch sử phim ảnh Trung Quốc với hơn 3.000 lần. Ngoài ra, bộ phim còn bán bản quyền sang các quốc gia khác trên thế giới. Những nhân vật, hình ảnh, lời thoại, tính cách của các nhân vật trong phim cũng ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng của đất nước tỷ dân. Đến nay, mỗi khi các diễn viên trong phim xuất hiện vẫn được khán giả ưu ái gọi bằng tên của nhân vật mà người đó đảm nhận.