Nhiều bộ phim Việt đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía khán giả khi cái tên lại trái ngược hoàn toàn với diễn biến phim. Thậm chí, nhiều người còn lên tiếng đòi đổi tên để sát hơn với kịch bản.
“Cuộc đời vẫn đẹp sao” nhưng xem mãi vẫn chưa thấy đẹp
“Cuộc đời vẫn đẹp sao” là một bộ phim kể về cuộc đời những mảnh đời bất hạnh của xóm trọ nghèo nơi gầm cầu. Khi nghe tên phim cùng với những tập đầu tiên, mọi người đều hiểu thông điệp nhân văn mà biên kịch muốn truyền tải đó là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì mọi người vẫn luôn khao khát có được cuộc sống tươi đẹp. Cuối cùng, những khó khăn mà họ đã trải qua cũng sẽ được đền đáp xứng đáng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phim cũng đã chiếu được kha khá tập nhưng vẫn còn quá nhiều điều chưa được giải quyết. Nhiều người lo lắng rằng, phim có thể sẽ kết thúc “lơ lửng”. Một số người còn thắc mắc, cuộc đời của các nhân vật trong phim sao mãi vẫn chưa đẹp mà dường như còn có dấu hiệu tệ hơn.
Cụ thể, nữ chính Luyến (Thanh Hương) vừa có hy vọng thoát khỏi xóm nghèo khi được đại gia theo đuổi thì cũng không thành. Lưu (NSƯT Hoàng Hải) những tưởng có cuộc sống khá hơn thì lại phát hiện con trai là Thạch (Việt Hoàng) vay nóng trả nợ. Câu chuyện tình yêu của Nga (Hà Đan) và Thạch cũng bị chị Hòa (Anh Thơ) ra sức ngăn cản. Hay như cặp đôi Bình (Minh Cúc) và Điền (Tô Dũng) cũng gặp phải rắc rối khi Bình thông báo “dính bầu” nhưng Điền lại sợ trách nhiệm.
“Dưới bóng cây hạnh phúc” nhưng không thấy hạnh phúc mà chỉ toàn đau khổ
“Dưới bóng cây hạnh phúc” là một trong những bộ phim Việt được nhiều khán giả quan tâm và theo dõi. Nội dung phim kể về cuộc sống của một đại gia đình gồm 3 thế hệ, 3 anh con trai. Mỗi người người một tính cách cùng nhau chung sống với nhau mà với ông bố gia trưởng, hà khắc.
Nghe đến tên phim, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một gia đình hạnh phúc với những câu chuyện vui vẻ. Thế nhưng, toàn bộ phim cũng chỉ toàn là bi kịch.Ông bố lúc nào xét nét con dâu từng li từng tí một. Anh cả thì cộc cằn, trái tính trái nết, khó chịu với tất cả mọi người xung quanh. Ông con trai thứ 2 thì gia trưởng, ích kỷ, coi thường vợ con. Trong khi đó, cậu con trai út lại sĩ diện và cô vợ tiểu thư đỏng đảnh. Cũng chính vì vậy mà tất cả mọi việc đều dồn hết lên vai thứ là Son (Kim Oanh).
Càng xem phim, mọi người lại càng thấy Son khổ, không được có ngày nào hạnh phúc. Thậm chí, nhiều chị em sau khi xem phim còn ám ảnh không dám lấy chồng.
“Hành trình công lý” nhưng lại toàn những tình tiết phi lý
“Hành trình công lý” với nữ chính là Hồng Diễm ngay từ khi chiếu đã được nhiều khán giả chú ý đón xem. Tuy nhiên, bộ phim lại nhận về không ít phản hồi trái chiều bởi nhiều tình tiết phim khá phi lý.
Đầu tiên đó chính là hành trình đi tìm công lý của nữ chính Phương (Hồng Diễm). Dù đã ở nhà nội trợ cả chục năm, cô vẫn có thể quay lại tìm việc và bắt tay vào làm việc một cách nhanh chóng. Điều này khiến nhiều người cảm thấy sai sai. Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết các vụ án, cô cũng khiến nhiều khán giả cảm thấy quá vô lý. Phương quay ngược trở lại đối đầu với thân chủ của mình để bảo vệ công bằng cho người bị kiện. Điều này khiến nhiều người cho rằng, cô quá cảm tính. Một số khán giả còn cho rằng, ở ngoài đời chắc Phương bị đuổi việc rồi.
Không chỉ vậy, trong cuộc sống, Phương cũng hành xử chưa đúng đạo lý. Dù chưa ly hôn nhưng Phương vẫn bỏ mặc chồng con ở nhà mà chăm Quân (Quốc Huy) cả đêm say rượu.
Chứng kiến nhiều tình tiết thiếu logic như vậy, nhiều người đòi đổi tên phim “Hành trình công lý” thành “Hành trình vô lý” hoặc “Không thể có công lý”.
“Thương ngày nắng về”, nắng đã về nhưng vẫn đáng thương
“Thương ngày nắng về” có sự góp mặt của Vân Khánh (Lan Phương) trong vai chị và Vân Trang (Huyền Lizzie) vai em. Cuộc hôn nhân của Khánh gặp quá nhiều bi kịch. Kể từ ngày lấy chồng, cô chịu biết bao uất ức, mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần nên quyết định ly hôn.
Thế nhưng, cuộc sống sau khi ly hôn cũng chẳng khá hơn là bao, Cô phải chịu tiếng gièm pha là người phụ nữ hư hỏng, đi xin việc mới cũng không yên ổn. Những người đàn ông xung quanh thì nghĩ cô dễ dãi nên tìm cách tiếp cận. Không chỉ vậy, hai con mình còn chưa hiểu chuyện nên cũng thờ ơ, khó chịu với mẹ.
Về phần Trang, cô cũng bị mẹ bỏ rơi từ khi còn nhỏ. Chính vì điều này mà nhiều người cảm thấy khó chịu, đòi đổi tên phim thành “Thương đời vân Khánh” hay “Bi kịch đời Khánh”.