Phim truyền hình Dịu Dàng Màu Nắng thất bại thảm hại dù quy tụ dàn sao khủng, khán giả chỉ trích gay gắt vì nữ chính nhõng nhẽo và kịch bản nhàm chán.
"Dịu dàng màu nắng" phát sóng trên VTV1 từng được kỳ vọng sẽ mang đến một làn gió mới về đời sống công nhân lao động. Tuy nhiên, thay vì trở thành điểm sáng như mong đợi, bộ phim nhanh chóng vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt. Từ mạng xã hội đến các diễn đàn chuyên môn, Phim đồng loạt bị gắn mác "thất bại", chủ yếu xoay quanh ba vấn đề: nhân vật nữ chính bị xây dựng quá lố, kịch bản đi theo motif cũ quá dễ đoán và diễn xuất thiếu tự nhiên ở nhiều phân đoạn.

Nữ chính “gây sốc” và dàn nhân vật đồng loạt gây mất điểm
Một trong những điểm khiến "Dịu dàng màu nắng" mất điểm trầm trọng chính là chuỗi tình tiết thiếu logic và đôi khi phi thực tế. Điển hình là nhân vật Lan Anh (Lương Thu Trang thủ vai) và cô em chồng Xuân (Ngọc Huyền), từ những hành động đến lời nói đều khiến người xem khó chấp nhận. Đỉnh điểm là cảnh Lan Anh bị chồng là Bắc (Duy Hưng) phát hiện ngoại tình, rồi buông ra câu nói gây sốc: "Cái nhà mới sửa ở quê là tiền của ai? Là tiền của tôi cả đấy. Anh đi làm kiếm được mấy đồng? Anh chê bẩn chứ gì, vậy thì không có cái gì trên người anh là sạch cả. Đều là của tôi cả đấy.” Lời thoại này không chỉ bị đánh giá là trơ trẽn mà còn thể hiện sự thiếu đồng cảm, khiến nhân vật Lan Anh mất đi hoàn toàn sự thiện cảm từ phía khán giả.

Trong khi đó, Xuân cũng không khá hơn khi liên tục khiến người xem khó chịu bởi sự “khó tính” và những màn xen vào chuyện người khác một cách quá đáng. Một trong những cảnh quay gây bão nhất phải kể đến là cảnh Xuân làm bánh mì bơ tỏi cho cháu Khoai. Vốn chỉ là khoảnh khắc sinh hoạt giản đơn nhưng ê-kíp quyết định quay chậm từng động tác, lồng nhạc du dương và đặt cận góc máy liên tục chiếu vào biểu cảm "tận hưởng" quá đà của nữ diễn viên Ngọc Huyền. Trong 35 giây ngắn ngủi, khung cảnh bình thường bỗng biến thành một… TVC quảng cáo, khiến khán giả không khỏi tức anh ách. Bình luận cà khịa "coi phim mà như xem quảng cáo" tràn ngập mạng xã hội, kèm theo lời tuyên bố bỏ theo dõi Dịu Dàng Màu Nắng ngay lập tức.

Sự thất bại trong việc khắc họa nhân vật nữ chính đã tạo hiệu ứng domino, kéo theo hầu hết các nhân vật khác, cả chính diện lẫn phản diện, đều nhận về những lời chỉ trích. Ngay cả cậu bé Khoai, một trong số ít những điểm sáng của phim, cũng không đủ sức níu chân khán giả trước làn sóng tiêu cực.
Kịch bản đi theo motif cũ quá dễ đoán
Kịch bản của Dịu Dàng Màu Nắng tiếp tục gây thất vọng bởi lối kể chuyện dễ đoán. Chủ đề ngoại tình, công sở chia bè phái, hãm hại lẫn nhau vốn chẳng còn mới lạ. Thay vì lần mò góc độ khác biệt, biên kịch đi theo lối mòn: cặp vợ chồng công nhân lao đao vì chuyện ngoại tình, cuộc sống xóm trọ nghèo pha lẫn mưu mô tại nhà máy. Mọi nút thắt mở đều nằm trong dự đoán của khán giả chỉ sau vài tập. Đã vậy, bộ phim còn thiếu đi gam màu dịu dàng như chính cái tên khiến người xem mệt mỏi với chuỗi drama căng thẳng nối dài suốt hơn 20 tập.
Vai trò của đạo diễn Bùi Quốc Việt cũng bị đặt dấu hỏi lớn. Từ cảnh "quảng cáo bánh mì bơ tỏi" cho đến cách dựng phim còn lộn xộn, lựa chọn âm nhạc không phù hợp khiến các cảnh quay cảm xúc trở nên gượng ép và giả tạo. Việc lồng ghép sản phẩm một cách lộ liễu cũng góp phần làm giảm uy tín của bộ phim trong mắt công chúng. Dàn diễn viên trẻ, đặc biệt là Ngọc Huyền (trong vai Xuân), đã phải chật vật để truyền tải thông điệp của kịch bản, trong khi Duy Hưng – một cái tên được kỳ vọng sẽ "gánh" rating – lại có quá ít đất diễn.

Nhìn chung, thất bại của "Dịu dàng màu nắng" là hệ quả trực tiếp từ những lựa chọn sai lầm trong nội dung kịch bản và phát triển nhân vật. Thay vì tập trung vào sự ấm áp, tình cảm gia đình như những thành công trước đó (ví dụ như "Thương Ngày Nắng Về"), bộ phim lại đi sâu vào những bi kịch nặng nề mà thiếu đi những khoảng lặng cần thiết. Sự lạm dụng cảm xúc thái quá cũng đã tước đi tính chân thực, vốn là yếu tố cốt lõi của một bộ phim về đời sống lao động.