Với ngân sách sản xuất khổng lồ, Netflix đã áp đảo nhà sản xuất, đài truyền hình Hàn Quốc, khiến nhiều nghệ sĩ Hàn mất việc.
Heraldcorp đưa tin rằng ngành công nghiệp điện ảnh - truyền hình Hàn Quốc hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Các quan chức trong ngành này bày tỏ sự thất vọng, nhấn mạnh rằng sự lan rộng của Netflix và các nền tảng trực tuyến (OTT) toàn cầu là nguyên nhân chính gây áp lực lớn lên thị trường nội địa.
Một lãnh đạo trong ngành giải trí Hàn Quốc chia sẻ: “Chúng tôi đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất trong 10 năm trở lại đây do ảnh hưởng của Netflix”. Sự đầu tư sản xuất khổng lồ từ Netflix đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong sản lượng phim truyền hình tại Hàn Quốc. Ngay cả những diễn viên nổi tiếng cũng đang phải vật lộn để tìm kiếm vai diễn, khi cơ hội ngày càng trở nên khan hiếm.
Kim Ha Neul, từng là Tam Đại Ảnh Hậu với tác phẩm Blind giành chiến thắng tại cả Rồng Xanh và Chuông Vàng, đồng thời đoạt giải Nữ chính xuất sắc ở Baeksang, bộc bạch: “Trước đây, tôi nhận được rất nhiều lời mời đóng phim, đến nổi tôi phải nói rằng: “Làm ơn, để tôi nghỉ ngơi một chút” hoặc “Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi thôi”. Nhưng giờ đây, số lượng cơ hội đã giảm đi đáng kể. Tôi nhận ra, chỉ cần nhận được một kịch bản thôi cũng vô cùng giá trị”.
Không kém phần quan ngại, nữ diễn viên Go Hyun Jung cũng chia sẻ: “Tôi không nhận được bất kỳ lời mời đóng vai nào. Tôi không cần phải là vai chính, và tôi thậm chí còn sẵn sàng giảm cát-xê của mình”.
Sự suy giảm cơ hội này phản ánh tác động mạnh mẽ của Netflix và các nền tảng OTT toàn cầu đối với ngành giải trí Hàn Quốc, khiến ngay cả những ngôi sao hàng đầu cũng phải vật lộn để tìm kiếm vai diễn phù hợp.
Số lượng phim truyền hình Hàn Quốc được sản xuất đang trải qua sự suy giảm đáng kể, từ 135 bộ phim vào năm 2022 giảm xuống còn 125 bộ vào năm 2023 và dự kiến sẽ xuống dưới 100 bộ khi kết thúc năm 2024. Ngành công nghiệp điện ảnh cũng không ngoại lệ, với khoảng 100 bộ phim đã hoàn thành hiện đang bị lưu kho, không đảm bảo được các suất chiếu.
Năm 2023, doanh thu kinh doanh phát thanh truyền hình tại Hàn Quốc đã giảm 4,7% so với năm trước, hạ xuống còn 18.973 nghìn tỷ won – lần đầu tiên trong thập kỷ doanh thu này lại giảm.
Cụ thể, các lĩnh vực trong ngành cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực với doanh thu truyền hình mặt đất giảm 10,2%, truyền hình cáp giảm 3,9%, phát sóng vệ tinh giảm 2,7%, mua sắm tại nhà giảm 5,9%, và các nhà cung cấp chương trình chung giảm 7,7%.
Thị trường phát sóng truyền hình trong nước Hàn Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng âm đầu tiên trong thập kỷ, khiến các chuyên gia ngành giải trí cảnh báo rằng lĩnh vực này đang bị đẩy đến bờ vực thẳm.
Vào ngày 26-27/9, một hội thảo chung về chủ đề “Nguyên nhân và giải pháp cho cuộc khủng hoảng thị trường phát thanh truyền hình” đã được tổ chức. Trong sự kiện lần này, Hiệp hội Báo chí Hàn Quốc, Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Hàn Quốc và Hiệp hội Chính sách Truyền thông Hàn Quốc tuyên bố “thị trường giải trí, truyền thông trong nước đang trong tình trạng khẩn cấp”.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng sự sụt giảm này không chỉ ảnh hưởng đến số lượng chương trình phát sóng mà còn đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành giải trí Hàn Quốc. Họ kêu gọi có những biện pháp khẩn cấp để ổn định thị trường và hỗ trợ các nhà sản xuất cũng như các nghệ sĩ trong nước.
Giáo sư Lee Heon Yul của Đại học Hàn Quốc cho biết: “Ngân sách sản xuất khổng lồ do các nền tảng OTT toàn cầu như Netflix đặt ra đã buộc các đài truyền hình phải cắt giảm việc sáng tạo nội dung để tồn tại. Kết quả là, chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng phim truyền hình Hàn Quốc được sản xuất, và chỉ một số ít diễn viên được các nền tảng này lựa chọn mới kiếm được tiền”.
Tương tự, Giáo sư Lee Sang Won của Đại học Kyung Hee cũng bày tỏ lo ngại bởi tác động của Netflix: “Tác động của Netflix đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về doanh thu phát sóng, trong khi chi phí sản xuất nội dung lại tăng cao. Sự sụp đổ này trong hệ sinh thái phát sóng có thể sớm trở thành một cuộc khủng hoảng đối với Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu)”.
Các chuyên gia đồng thuận nhấn mạnh rằng cần phải giải quyết tình trạng mất cân bằng mà các nền tảng toàn cầu gây ra cho ngành giải trí Hàn Quốc. Họ đề xuất giảm bớt các quy định đối với các đài truyền hình trong nước để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ phát triển. Đồng thời, họ yêu cầu các dịch vụ OTT toàn cầu như Netflix phải chịu trách nhiệm và được giám sát chặt chẽ hơn nhằm khôi phục lại sự công bằng trong ngành giải trí.