Bị phản đối từ khi công bố nữ chính, Nàng tiên cá live action vẫn không ngừng nhận gạch đá dù ngày công chiếu gần kề. Không chỉ bị tố poster chính sai kiến thức mà còn bị đối thủ đá xéo.
Vốn là một trong những nàng công chúa nhận được sự yêu thích từ đông đảo khán giả, Nàng tiên cá (The Little Mermaid) nhanh chóng thu hút sự chú ý từ những ngày đầu công bố dự án live action. Tuy nhiên, mãi đến khi Ariel được xác nhận giao cho nữ diễn viên da màu Halle Bailey đảm nhiệm thì làn sóng phản đối bùng nổ. Liên tục sau đó, từng giai đoạn truyền thông cho phiên bản live action lần này của Disney đều vấp phải ý kiến trái chiều, không được dư luận ủng hộ.
Mới đây, poster chính thức vừa được ra mắt ngay lập tức bị Spark Chao (Tiến sĩ ngành sinh vật biển, hiện đang làm việc tại Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Biển Quốc gia Đài Loan) bóc phốt vì sai kiến thức khoa học trầm trọng. Trong khi khu vực Ariel sinh sống ở Đại Tây Dương thì hình ảnh xuất hiện hàng loạt loài thủy sinh thuộc nhiều vùng biển khác như Ấn Độ Dương, Biển Đỏ,... đều hội tụ. Thậm chí, ngay cả sinh vật nước ngọt cũng góp mặt trong chiếc poster này khiến người hâm mộ ngán ngẩm.
Đỉnh điểm là bạn thân của nàng Ariel - chú cua Sebastian trong bản hoạt hình vốn dĩ là cua hoàng đế nhưng đã được hãng này chuyển thành cua đất đỏ. Tuy nhiên, vị Tiến Sĩ này cũng nhận định đây là loài cua sống trên cạn. Do vậy, những thước phim đôi bạn thân sát cánh bơi lội chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy vô lý.
Không chỉ tự tạo khủng hoảng với những lỗi sai khó hiểu. Nhà Chuột còn bị đối thủ Dreamworks tận dụng những ồn ào xung quanh phim điện ảnh The Little Mermaid sắp ra mắt để chọc ngoáy. Theo hãng này, bộ phim sắp tới có tên gọi là Ruby Gillman: Teenage Kraken sẽ xuất hiện nhân vật nàng tiên cá với ngoại hình giống hệt Ariel bản hoạt hình năm 1989 của Disney. Không chỉ vậy, nàng tiên cá này còn đóng vai trò phản diện chính. Tác phẩm dự kiến ra mắt vào tháng 6 năm nay, chỉ cách 1 tháng sau khi The Little Mermaid công chiếu.
Được biết, nguyên nhân đằng sau vụ đá xéo Nàng tiên cá lần này đến từ "mối thù" năm xưa của Jeffrey Katzenberg - Chủ tịch Dreamworks và cũng là "cha đẻ" Nàng Tiên Cá để (1989). Trước khi sáng lập Dreamworks, ông từng giữ vị trí Chủ tịch của Walt Disney Studios từ năm 1984 đến năm 1994. Katzenberg còn góp mặt trong nhiều tác phẩm đình đám thời bấy giờ như: Người Đẹp và Quái Vật (1991), Aladin (1992), Vua Sư Tử (1994),... Song, vì cuộc chia tay không mấy êm đẹp mà vị Chủ tịch dường như đã cộng cả "thù cũ" lẫn "nợ mới" để tính sổ với Disney.
Đứng trước làn sóng tiêu cực những ngày qua, trailer chính thức của Nàng tiên cá cũng nhận về không ít lượt dislike từ cộng đồng mạng. Phim đang liên tục nhận báo động đỏ khi chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày ra mắt. Số phận của tác phẩm chuyển thể lần này là một bài toán khó nhằn với Disney trong giai đoạn chuyển mình. Song song đó, kết quả của Nàng tiên cá cũng sẽ ít nhiều báo hiệu cho bộ live action tiếp theo về nàng Bạch Tuyết khi hãng này cũng tiếp tục chọn một nữ diễn viên da màu đóng vai chính.
Thanh Trúc