Công chiếu từ 11/2, Chuyện Ma Gần Nhà gây chú ý khi giới thiệu nhiều thế lực quỷ dị trong câu chuyện dựa trên các truyền thuyết đô thị Việt Nam. Hiệu ứng đặc biệt là một phần không thể thiếu trong tác phẩm. Nhiều cảnh phim cần đến kỹ xảo như đoạn nhân vật Khả Như lột mặt, bỏ mặt nạ xuống máu, cảnh người phụ nữ bị tạt acid, ma hủ tiếu với đôi mắt nằm trong bàn tay, ma không đầu, ma trẻ con…
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết các cảnh cần kỹ xảo được lên ý tưởng ngay từ lúc viết kịch bản: “Tôi hình dung ra diện mạo của từng con ma, sau đó có nhiều buổi họp với đơn vị làm kỹ xảo là Badclay. Họ cũng đọc kịch bản rồi bàn bạc cũng như tính đến các phương án để làm thật nhất có thể.
Đơn vị kỹ xảo Badclay cho biết cảnh lột mặt, bỏ mặt nạ xuống máu, cảnh người phụ nữ bị tạt acid, ma hủ tiếu với đôi mắt nằm trong bàn tay, ma không đầu đều cần ba tháng để thực hiện.
Trong cảnh lột mặt, họ sẽ bắt chuyển động và làm model (tạo mẫu) khuôn mặt của Khả Như để tái tạo lại một phần khuôn mặt bằng 3D. Sau đó, ê-kíp sẽ sẽ diễn hoạt lại bàn tay cào mặt của Khả Như để làm vật thể tương tác. Một nhóm khác sẽ tái tạo lại hiệu ứng vật lý của lớp da khi bị cào ra sao cho nhìn thật nhất có thể và chi tiết hơn về các lớp mô, thịt và mỡ của da con người khi bị bong tróc. Rồi nhóm ánh sáng sẽ đánh sáng và làm chất liệu của các lớp da và cuối cùng một nhóm khác sẽ tích hợp các hiệu ứng trên lại thành cảnh hoàn chỉnh.
Ở đoạn tạt acid, đơn vị sẽ thực hiện hiệu ứng sủi bọt của acid. Trong đó có hai lớp acid, một lớp ít bong bóng và một lớp nhiều bong bóng, sau đó tích hợp hiệu ứng lại với nhau và thêm chi tiết khói nóng tỏa ra từ bàn tay và khuôn mặt của diễn viên. Đồng thời, họ xử lý thêm lớp hóa trang trên trường quay cho ghê rợn hơn.
Phân cảnh chặt đầu khó nhất phim về hiệu ứng hình ảnh. Đạo diễn Hữu Tấn cho biết: “Việc mô phỏng như thật một chiếc đầu của nhân vật rơi xuống là một thử thách ngay cả đối với những đơn vị kỹ xảo quốc tế. Đơn vị kỹ xảo đã cùng tôi chỉnh sửa rất nhiều lần, trong nhiều tháng, để có được kết quả ưng ý nhất”.
Anh giải thích thêm: “Lúc bấm máy, chúng tôi sử dụng một thiết bị đo sáng để đo ánh sáng môi trường phản chiếu lên vật chủ, cũng như tính độ sáng tối của môi trường bối cảnh. Sau khi phim đóng máy, diễn viên Vân Trang mất thêm một buổi chụp ảnh 360 độ toàn gương mặt để chúng tôi lấy thông số và tiến hành dựng 3D mô hình cái đầu”.
Ở cảnh chặt đầu, đơn vị kỹ xảo sẽ thực hiện scan 3D phần đầu của diễn viên Vân Trang. Sau đó, họ xử lý lại sao cho mẫu 3D trông giống diễn viên Vân Trang nhất có thể. Kế tiếp, họ diễn hoạt lại hiệu ứng rơi của cái đầu trên nền đất. Cái đầu phải rơi đúng vị trí mà đạo diễn muốn đồng thời biểu cảm của khuôn mặt và đôi mắt cũng được nhấn nhiều hơn trong shot này.
Tiếp theo, họ tiến hành tái tạo lại chuyển động của phần tóc theo hiệu ứng rơi, đồng thời tạo thêm phần máu chảy loang ra sau khi đầu rơi xuống đất. Ở khâu kế tiếp, đơn vị kỹ xảo tái tạo lại ánh sáng của cảnh quay này và làm lại phần tóc sao nhìn giống nhất với trên phim trường. Bên cạnh đó, họ phải tái tạo lại phần cổ bị chặt và phần da đầu của mẫu 3D. Cuối cùng, nhóm tích hợp các hiệu ứng lại với nhau sao cho chúng hoà quyện lại với cảnh quay trên phim trường và thêm các hiệu ứng môi trường.