Bảng giá booking của Hằng Du Mục ở thời kỳ đỉnh cao gây xôn xao: 350 triệu đồng cho 3 giờ livestream
Gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều bài đăng từ cư dân mạng chia sẻ hình ảnh được cho là bảng giá booking của Hằng Du Mục – mức phí mà các doanh nghiệp hoặc cá nhân cần chi trả để hợp tác quảng bá (theo PV). Bảng giá này bao gồm nhiều hạng mục như: video, video review, livestream add-in, livestream exclusive (livestream độc quyền), và image usage fee (phí bản quyền sử dụng hình ảnh). Mức phí dao động từ 30 triệu đồng đến 450 triệu đồng, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của khách hàng về nội dung, thời gian, địa điểm và chất lượng sản phẩm.
Trước những con số được cho là mức giá booking của Hằng Du Mục lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bất ngờ vì quá cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng điều này hoàn toàn bình thường, bởi để tạo ra một sản phẩm chỉn chu, không chỉ có sự góp mặt của Hằng Du Mục mà còn là công sức của cả một ê-kíp phía sau.

Hiện tính xác thực của bảng giá nói trên vẫn chưa được xác minh. Tuy vậy, trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lừa dối khách hàng” theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự, Hằng Du Mục từng là một TikToker, KOL (Key Opinion Leader) có sức ảnh hưởng lớn trong giới livestream bán hàng online. Các tài khoản mạng xã hội của cô thu hút hàng triệu lượt theo dõi, đồng nghĩa với mức thu nhập không hề nhỏ.
Nguồn thu của Hằng Du Mục chủ yếu đến từ việc livestream bán hàng, quảng cáo sản phẩm cũng như kinh doanh nhiều mặt hàng khác trên nền tảng mạng xã hội.
Trong lĩnh vực livestream bán hàng, cái tên Hằng Du Mục từng được ví như “bà trùm” nhờ sức hút đặc biệt mỗi lần lên sóng. Mỗi phiên livestream của bà mẹ đông con này đều thu hút lượng người xem lớn, sản phẩm được bán ra với tốc độ chóng mặt, thậm chí cháy hàng ngay cả khi chưa kịp giới thiệu hết.

Thời kỳ đỉnh cao nhất là vào giữa năm 2024, mạng xã hội từng "dậy sóng" vì hiện tượng tranh nhau mua từng gói táo đỏ do Hằng Du Mục phân phối. Riêng mặt hàng này, cô đã bán được 225.400 đơn. Giá niêm yết của táo đỏ tại thời điểm ngày 7/3 dao động từ 66.000 đồng đến 244.000 đồng/kg (chưa bao gồm các chương trình giảm giá). Như vậy, nếu mỗi đơn hàng tương đương 1kg táo đỏ, doanh thu ước tính từ mặt hàng này đã lên tới ít nhất 14,6 tỷ đồng theo giá niêm yết.
Khoảng 1,5 năm trở lại đây, Hằng Du Mục bắt tay cùng Quang Linh Vlogs (tên thật là Phạm Quang Linh, sinh năm 1997), tạo nên những buổi “mega livestream” với quy mô lớn hơn và sức ảnh hưởng vượt trội. Năm 2024, mạng xã hội từng lan truyền thông tin một buổi mega livestream của Hằng Du Mục đạt doanh thu lên tới 72 tỷ đồng.
Cũng theo nguồn tin này, thu nhập ước tính sau phiên livestream là con số không hề nhỏ. Cụ thể, nếu giả định tỷ lệ huỷ đơn là 30%, doanh thu thực tế còn lại khoảng 50 tỷ đồng. Với mức hoa hồng 10%, Hằng Du Mục có thể thu về 5 tỷ đồng; còn nếu hoa hồng chỉ 5%, cô vẫn nhận được khoảng 2,5 tỷ đồng – một con số đáng mơ ước trong lĩnh vực bán hàng online hiện nay.
Bên cạnh sản phẩm chủ lực là táo đỏ, Hằng Du Mục còn mở rộng kinh doanh đa dạng mặt hàng thông qua các buổi livestream, trải rộng ở nhiều lĩnh vực như mỹ phẩm và làm đẹp, đồ gia dụng – nội thất, thiết bị điện tử, thực phẩm và thực phẩm chức năng,...

Không dừng lại ở đó, cô gái 9X còn hợp tác quảng bá cho một số nhãn hàng nhỏ và sản phẩm độc quyền. Với hơn 3,7 triệu người theo dõi trên TikTok, gần 1,1 triệu lượt thích và 2,2 triệu người theo dõi trên fanpage Facebook, mức giá cho một lần đăng bài quảng cáo sản phẩm hoặc làm đại diện hình ảnh có thể dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục thành lập Công ty TNHH Hằng Du Mục Entertainment có trụ sở tại TP.HCM với vốn điều lệ khiêm tốn chỉ 50 triệu đồng. Đến tháng 11/2024, Hằng Du Mục tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh khi góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (CER Group), đặt trụ sở tại phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

CER Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình. Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp là 5 tỷ đồng, trong đó Hằng Du Mục là cổ đông lớn nhất với số vốn góp 1,25 tỷ đồng, tương đương 25%.
Ngày 24/3, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Tập đoàn CER Group số tiền 125 triệu đồng, do vi phạm hai hành vi liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ KERA do công ty này phân phối.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, trong khoảng thời gian từ ngày 12/12/2024 đến ngày 19/3/2025, CER Group đã đưa ra thị trường hơn 135.320 sản phẩm kẹo rau KERA, với doanh thu ước tính hơn 20 tỷ đồng.
Tiếp đó, vào ngày 3/4, Bộ Công Thương tiếp tục xử phạt hành chính CER Group với tổng mức phạt 80 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là cải chính thông tin không chính xác về sản phẩm kẹo rau củ KERA.
Cùng ngày, Bộ Công Thương cũng xử phạt bà Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Thùy Tiên) số tiền 25 triệu đồng do không thông báo trước với người tiêu dùng về việc được tài trợ để cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Đáng chú ý, ngày 3/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 5 cá nhân liên quan đến Công ty Cổ phần Asia Life và CER Group. Các bị can bị điều tra về các tội danh “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “Lừa dối khách hàng”.
Trong số các bị can bị khởi tố có bà Nguyễn Thị Thái Hằng (còn gọi là Hằng Du Mục) – Chủ tịch Hội đồng quản trị CER Group, và ông Phạm Quang Linh (thường được biết đến với tên gọi Quang Linh Vlog).

Ngoài ra, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian từ ngày 15/3 đến 15/5 để phục vụ công tác điều tra.