Ra trường với tấm bằng giỏi ở trên tay, nữ cử nhân gửi CV khắp mọi nơi nhưng đều không có phản hồi. Đến khi được mời phỏng vấn thì lại chỉ nhận được lời chào mức lương 2,9 triệu đồng.
Gửi CV nhưng không một lời hồi đáp
Từ tháng 3, Nguyễn Thị Hoà , 29 tuổi đã nghỉ việc ở một nhà hàng. Tốt nghiệp ngành quản trị nhà hàng khách sạn, ban đầu Hoà còn kén chọn, chỉ muốn làm việc ở những khách sạn lớn với chính sách đãi ngộ tốt. Thế nhưng, chờ mãi mà chẳng có khách sạn nào phản hồi, cô đành gửi CV vào các công việc khác trái ngành. Chỉ cần nhìn thấy nơi nào tuyển nhân viên sale hay các vị trí tương tự thì cô đều ứng tuyển. Bên cạnh đó, cô còn gửi CV của mình đến các trang môi giới việc làm.
Thế nhưng, hơn 2 tháng đã trôi qua, hàng trăm chiếc CV đã được gửi đi mà công cuộc tìm việc làm của Hoà vẫn chỉ dừng lại ở con số 0. Cô thất vọng tâm sự với Báo Dân trí rằng: “Tháng đầu tiên còn có một vài cuộc gọi hỏi han, trao đổi, có nơi hẹn phỏng vấn rồi lại hủy. Còn hôm giờ, tôi suốt ngày canh điện thoại nhưng tuyệt nhiên không có lấy một cuộc gọi trao đổi, phỏng vấn nào cả”.
Theo tìm hiểu của Hoà thì không chỉ một mình cô mà rất nhiều người trong thời điểm này cũng cùng chung cảnh ngộ. Cô thở dài: “8 năm đi làm, nhiều lần nhảy việc, chưa bao giờ tôi thấy tìm việc lại khó khăn, mệt mỏi như lúc này”.
Hiện tại, trong thời gian chờ việc, Hòa đang bán sầu riêng, măng cụt cho một người chị để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Mạnh Nhân, 27 tuổi, hiện đang ở TP.HCM cũng là một trong những người đã gửi 1001 chiếc CV tìm việc chia sẻ rằng, anh đang thất nghiệp và không biết phải làm gì. CV gửi đi càng không được phản hồi, anh càng hoài nghi về năng lực của mình.
Trong tháng 5 vừa rồi, Nhân cũng đã có một vài cuộc phỏng vấn nhưng kết quả đều không đi về đâu. Có nơi thì vị trí không đúng như mong muốn, nơi lại có mức lương thấp đến không tưởng, có nơi thì cứ ngỡ đã ổn thì công ty lại bị khách hàng phốt bán hàng kém chất lượng, nợ lương nhân viên hàng tháng liền… Đến nay, anh đã quá mệt mỏi và đang có ý định tìm đường đi lao động nước ngoài.
Tốt nghiệp bằng giỏi vẫn không thể có được mức lương mong muốn
Những người đã có kinh nghiệm lâu năm đã khó, sinh viên mới ra trường lại càng khó hơn vạn lần. N.H.L, một cô cử nhân kinh tế ở TP.HCM ra trường với tấm bằng giỏi trên tay, ngoại ngữ thành thạo cũng đã gặp phải những “cú sốc đầu đời” trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Gắn bó với một công ty trong lĩnh vực chuỗi cung ứng kể từ khi thực tập với mức lương 9 triệu đồng, đến tháng 4 vừa rồi, công ty gặp khó khăn, đơn hàng bị giảm mạnh nên phải cắt giảm nhân sự, L cũng là một trong số đó.
Sau khi biết được thông tin này, L. lập tức gửi CV đến khắp mọi nơi nhưng đều không nhận được hồi đáp. L. cũng tự phân tích rằng, có lẽ do mình mới ra trường nên chưa đáp ứng được yêu cầu có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm của nhiều công ty.
Đến khi nhận được lời mời phỏng vấn của 1 công ty, cô nàng lại “méo mặt”: “Có công ty liên hệ, phỏng vấn và đưa ra mức lương... 2,9 triệu đồng/tháng, thêm vài trăm nghìn đồng trợ cấp. Em sốc quá, lương như vậy sao mình làm nổi”.
Cô nàng cũng trải lòng thêm rằng, cô biết rõ thời điểm này rất khó tìm việc, cô cũng không quá ảo tưởng về lương, thế nhưng, thực tế còn khốc liệt hơn nhiều.
Được biết, theo báo cáo của Navigos Group (một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường về việc làm) thì trong 4 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty đã giảm xuống trung bình khoảng 18%, trong đó giảm sâu nhất là trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch với mức 43% so với thời điểm trước dịch covid-19.
Cụ thể, ngành dệt may, da dày giảm 39%; ngành thu mua, vật tư - cung vận giảm 25%; ngành xây dựng - bất động sản giảm 34%...
Cũng theo đánh giá của đơn vị này, sau 4 tháng đầu năm 2023, vẫn chưa có tín hiệu tích cực nào về tình hình kinh tế trong nước và quốc tế được ghi nhận nên thị trường lao động có thể vẫn còn khó khăn trong thời gian sắp tới.