Thiếu nữ 15 tuổi bật khóc kể rằng, người ta bảo em nhỏ tuổi mà tháo vát nhưng không còn cách nào khác. Em chính là trụ cột gia đình.
Câu chuyện của thiếu nữ 15 tuổi một mình gồng gánh chăm sóc bà nội cũng cha đẻ bị tai biến ở Thanh Bình (Đồng Tháp) khiến nhiều người không khỏi xót xa. Theo đó, dì Sáu - một người hàng xóm của gia đình em chia sẻ với Báo Tri thức cuộc sống rằng: “Con bé mới 15 tuổi, đang học dở lớp 7 thì phải nghỉ ở nhà nuôi bà và cha ruột bị bệnh. Cả hai người này đều bị tai biến liệt nửa người, không thể đi lại hay làm bất cứ việc gì, thậm chí là vệ sinh cá nhân.
Chúng tôi biết đến hoàn cảnh này nhưng không có gì để giúp đỡ cả. Giờ chỉ mong mạnh thường quân, các nhà hảo tâm biết đến giúp đỡ chút ít”.
Cũng theo người phụ nữ này, mẹ của cháu bé đã bỏ đi từ lâu, đã có gia đình riêng nên cũng không giúp gì. Cả gia đình 4 người chỉ sống dựa vào nguồn tiền trợ cấp của người cô ruột.
Thiếu nữ ấy tên là Tường Vi. Cô bé có gương mặt già dặn hơn hẳn so với tuổi, ánh mắt đượm buồn vì không biết đã rơi nước mắt bao nhiêu lần. Tường Vi tâm sự với Báo Tri thức cuộc sống: “Tết Nguyên đán vừa qua, em đã xin nghỉ học để có thời gian chăm sóc bà nội và ba . Em biết việc nghỉ học giữa chừng là không đúng nhưng chẳng có sự lựa chọn nào cả”.
Khi được hỏi rằng: “Vậy khi em nghỉ học, nhà trường có đưa ra lời khuyên gì hay không?”, cô bé cho biết, cô giáo chủ nhiệm cũng đã khuyên em nên suy nghĩ kỹ bởi dang dở như thế sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này. Song em vẫn phải nghỉ vì ở nhà còn có nội bị tai biến liệt nửa người bên phải, ba liệt nửa thân dưới.
Em chia sẻ: “Em rất muốn đi học vì biết chỉ có con chữ mới giúp bản thân và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói, túng quẫn. Em luôn ước ao có một phép màu diệu kỳ xảy ra, đó là nội và ba khoẻ hơn. Khi đó em có thể quay trở về lớp, kể cả học lại cũng không sao.
Cô giáo cũng động viên em hãy cố gắng cho bản thân một cơ hội. Nhưng hơn 6 tháng qua, em không thể đi học tiếp vì nhà neo người, không có ai chăm sóc nội lẫn ba cả”.
Không chỉ Tường Vi mà em trai của cô là bé Bảo (12 tuổi) cũng phải tạm gác lại chuyện học hành. Cậu nghỉ học bởi một phần gia đình không thể tiếp tục đóng học phí, một phần muốn ở nhà phụ giúp chị gái chăm nội và cha.
Cậu bé 12 tuổi chia sẻ với Báo Tri thức cuộc sống: “Con biết chị hai vất vả ra sao khi chăm sóc 2 người bệnh, nằm một chỗ như vậy. Ban đầu chị bảo nghỉ một thời gian, đợi nội và ba khoẻ lại là đi học tiếp. Nhưng giờ cả hai đều không thể đi lại được, mọi sinh hoạt đều do chị đảm nhiệm. Vì thế con quyết định học hết cấp I là nghỉ ở nhà”.
Ngồi bên mộ ông nội, Tường Vi rơi nước mắt tủi thân kể rằng, hai chị em đã từng có một gia đình vô cùng hạnh phúc, bố mẹ khoẻ mạnh. Thế nhưng, sóng gió bất ngờ ập đến khi mẹ bỏ đi không một lời từ biệt bởi bị cha mắng chửi.
Tường Vi kể lại rằng: “Cách đây 5 năm, ba có chửi mắng và đánh mẹ em. Mẹ không chịu đựng nổi đã bỏ đi, không quay trở về nữa. Hồi đó em còn nhỏ, cứ ngỡ mẹ giận dỗi ba vài ngày là hết. Ngờ đâu mẹ đi thật, không về với chị em em nữa.
Giờ mẹ em đã có gia đình mới. Thi thoảng em có liên hệ với mẹ để xin chút tiền nhưng chỉ được 500.000 đồng thôi. Em cũng nói với mẹ về việc hai chị em đã nghỉ học nhưng mẹ cũng khó khăn, không thể giúp đỡ gì”.
Về chuyện chi phí sinh hoạt, Tường Vi cũng cho biết, mỗi tháng cô ruột sẽ đưa cho em 1 triệu đồng để chi tiêu hoặc khi hết lại xin tiếp. Cô bé bộc bạch: “Số tiền đó với mọi người là nhỏ, nhưng với gia đình em là lớn bởi cô cũng khó khăn lắm. Vài ngày cô cũng qua nhà cùng em tắm rửa cho nội, còn lại đều một tay em lo cả.
Người ta bảo em nhỏ tuổi mà tháo vát nhưng làm gì còn cách nào nữa. Giờ em chính là trụ cột trong nhà, phải lo hết chứ, từ nấu nướng, tắm rửa cho nội lẫn ba. Em cũng quen với công việc đó nên không thấy mệt mỏi, chỉ tiếc nuối việc không được đến trường”.
Nói về ước mơ của mình, Tường Vi không ngần ngại chia sẻ rằng, bản thân chỉ muốn được đến trường như các bạn khác trong xóm. Lúc đó, em sẽ học thật chăm chỉ để thoát nghèo. Ước mơ tưởng chừng như đơn giản của bao người khác thế nhưng với em, ước mơ đó không biết bao giờ sẽ thành hiện thực khi phải gánh vác trên vai gánh nặng cơm áo gạo tiền.