Đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2014 ra bài "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là cú sốc đối với thí sinh và giáo viên trong năm thi đó, đến nay vẫn được nhắc đến.
Trong lịch sử thi tốt nghiệp THPT qua các năm, có lẽ đề thi Văn năm 2014 là bộ đề ấn tượng khó quên nhất đối với nhiều lứa học trò, giáo viên mỗi khi nhắc đến. Năm 2014, đề thi Văn được đánh giá là bám sát tình hình thời sự, mở rộng tư duy và độc đáo, bất ngờ. Đáng chú ý nhất là câu Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
Được biết, năm 2014, đề thi Văn ra câu Nghị luận xã hội 3 điểm lấy từ đoạn trích của một bài báo chủ đề "Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam". Năm này tình hình thời sự liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam và Trung Quốc trở nên "nóng" hơn bao giờ hết. Đây cũng là câu hỏi tư duy giúp học sinh mở rộng suy luận và nhận định về tình hình xã hội.
Trong khi đó, câu Nghị luận văn học trong đề thi Văn năm 2014 lại mang tính đánh đố, không khó nhưng đầy bất ngờ. Phần Nghị luận văn học chiếm 7 điểm và gần như quyết định điểm số của một cấu trúc bài thi văn. Năm 2014, toàn thể học sinh, giáo viên và phụ huynh đều không khỏi "há hốc mồm" khi biết tác phẩm ra đề lấy từ đoạn trích của tác phẩm kịch nổi tiếng do Lưu Quang Vũ biên soạn mang tên "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".
Theo một cô giáo dạy ở Trường THPT Lê Viết Tạo (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đề thi Văn này có 3 điểm mới là cấu trúc, cách đưa câu hỏi thời sự và tích hợp "nghị luận văn học" cùng "nghị luận xã hội". Tuy nhiên, cô giáo nhận định, với đề thi này, dù cho học sinh có chuẩn bị sẵn "phao" cũng không biết làm thế nào!
Theo thầy giáo Hoàng Sĩ Hồng (dạy tại Trường THPT Phan Thúc Trực, tỉnh Nghệ An) chia sẻ, ý nghĩa đoạn trích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là nói về nhận thức giữa con người bên trong và bên ngoài; khát vọng được sống là chính mình.
Phần lớn các giáo viên nhận định đây không phải là đề thi Văn hóc búa nhưng lại mang yếu tố bất ngờ, khó tin vì từ trước đến nay, phần lớn đề thi đều nằm trong phần ôn tập trọng tâm như các bài thơ, văn, truyện ngắn... Riêng tác phẩm kịch và những bài viết liên quan đến lĩnh vực biểu diễn trên sân khấu ít được chú trọng nên phần đông học sinh đều có suy nghĩ bỏ qua, không ôn tập.
Thực tế, việc đưa kịch bản văn học vào nội dung giảng dạy ở trường đã có từ năm 2009 nhưng những tác phẩm thuộc thể loại này được cho là chưa từng có tiền lệ xuất hiện trong đề thi Văn đại học hay tốt nghiệp THPT.
Một học sinh cho biết: "Ngày thường, chúng em chỉ ôn tập những tác phẩm trọng tâm, nói về quê hương, đất nước, con người như Rừng Xà Nu, Tây tiến, Việt Bắc, Những đứa con trong gia đình... còn đây là về thể loại kịch. Khi nhận đề thi Văn, cả phòng thi đều hoang mang, bối rối. Kiểu đề này là tích hợp giữa Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học nên đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức về tác phẩm, về thể loại kịch và liên hệ được tình hình xã hội hiện nay, kiểu đề này ngay cả trên lớp, chúng em cũng ít được học và ôn luyện".
PGS Văn học, thầy Trần Hữu Tá phân tích: "Tôi e ngại nhiều học sinh không nắm được ý nghĩa trọn vẹn của tác phẩm vì các em chỉ được đọc qua đoạn trích, mà đọc trích thì không thể đại diện cho toàn bộ vở kịch. Hơn nữa đoạn trích này nằm ở chương trình học thêm. Việc giảng dạy đoạn trích từ một vở kịch đòi hỏi công sức người thầy, người cô là rất lớn. Các thầy cô phải làm thế nào cho các em hiểu được toàn bộ tinh thần của tác phẩm chỉ thông qua một đoạn trích ngắn".
Ảnh: Tổng hợp