Huỳnh Đào Vy Thanh, thường được các bạn sinh viên biết đến với tên Vita Harder, là một người Việt Nam hiện đang sống và làm việc tại Đan Mạch.
Với vai trò là người sáng lập và điều hành hai công ty Vieta ApS và Công ty TNHH Đầu Tư và Phát Triển Giáo Dục Việt Á, chị Vita đã không ngừng nỗ lực để mở ra thêm nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam biết đến những chương trình thực tập và làm việc tại Châu Âu – hay cụ thể hơn là Đan Mạch.
Hãy cùng trò chuyện với chị để lắng nghe những chia sẻ đầy hữu ích nhé!
Xin chào chị Huỳnh Đào Vy Thanh! Chị có thể giới thiệu về bản thân cho mọi người cùng biết không ạ?
Chào mọi người!
Mình tên là Huỳnh Đào Vy Thanh, tên tiếng Đan của mình là Vita Harder.
Mình sinh năm 1991, và là một người con đến từ vùng đất Phú Yên.
Mình hiện tại là người sáng lập và điều hành hai công ty: Vieta ApS tại Đan Mạch và Công ty TNHH Đầu Tư và Phát Triển Giáo Dục Việt Á tại Việt Nam.
Cơ duyên hay lý do nào đưa chị gắn bó với nghề hỗ trợ sinh viên Việt Nam sang Đan Mạch làm việc vậy ạ?
Lý do của mình bắt đầu từ chính trải nghiệm cá nhân.
Năm 2013, mình tham gia chương trình Aupair, một chương trình trao đổi văn hóa cho phép mình sống trong gia đình người bản xứ trong 24 tháng, mình sẽ trở thành một thành viên của gia đình, có phòng và đồ đạc riêng, mình được sinh hoạt – vui chơi – đi du lịch miễn phí cùng gia đình host, công việc của mình là chăm sóc bé – chia sẻ một phần việc nhà, ngoài thời gian đó thì mình được đi du lịch tự do - gặp gỡ bạn bè - học thêm ngôn ngữ. Mình không cần trả bất kỳ một chi phí sinh hoạt nào, ngược lại gia đình host sẽ trả bảo hiểm – chi phí học ngôn ngữ cho mình. Mình đã được trực tiếp hoà mình vào một nền văn hóa mới, được tiếp thu cách sống của người bản địa.
Sau khi hoàn thành chương trình Aupair, mình có quay về Việt Nam, nhưng cơ duyên với Đan Mạch vẫn còn, nên sau khi nhận lời cầu hôn của chồng hiện tại, mình đã cùng anh quay trở lại Đan Mạch, tiếp tục hành trình chinh phục bản thân.
10 năm, khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn, mình đã trải qua nhiều công việc khác nhau từ sơn nhà cửa, phụ hồ, mộc, điện, lau dọn vệ sinh, chăn gia súc – gia cầm, tỉa cây cảnh và cuối cùng là đứng bếp. Mình sẵn sàng làm bất cứ công việc nào để có thể tự lập và xây dựng sự nghiệp cho bản thân vì mình không muốn phụ thuộc vào chồng mình quá nhiều.
Sau một thời gian ổn định, mình nhận ra rằng, việc sang nước ngoài thực tập không chỉ là cơ hội, mà còn là trải nghiệm quan trọng giúp mỗi cá nhân trưởng thành hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về những cơ hội này để tiếp cận.
Mình hiểu rõ những khó khăn, bỡ ngỡ mà các bạn sinh viên sẽ phải đối mặt, vì chính mình cũng đã trải qua những điều đó. Mình muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các bạn, để các bạn không chỉ có cơ hội làm việc mà còn có thể tự tin hơn khi bắt đầu sinh sống ở một đất nước mới.
Công ty của chị hiện đang hoạt động mạnh ở lĩnh vực nào ạ, chị có thể chia sẻ thêm về công ty của mình không ạ?
Hiện tại, Công ty Vieta ApS (hoạt động tại Đan Mạch) chịu trách nhiệm kết nối các doanh nghiệp địa phương như trang trại, nhà hàng, nhà xưởng, đồng thời sàng lọc những nơi thực tập tốt, phù hợp cho các bạn sinh viên nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ có môi trường thực hành và làm việc thực tế. Công ty của mình cũng hỗ trợ các bạn sinh viên tìm kiếm cơ hội ở lại sau khi hết thời gian thực tập (18 tháng) và chuyển đổi thị thực sang diện lao động (4 năm). Ngoài ra mình còn giúp làm chủ hôn, hồ sơ cưới, hồ sơ bảo lãnh cho những cặp đôi muốn cưới nhau và ở lại Đan Mạch nữa (cười) – sinh viên của mình cần gì thì mình cung cấp đủ hết. (cười)
Công ty TNHH Đầu Tư và Phát Triển Giáo Dục Việt Á (hoạt động tại Việt Nam) chịu trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ thị thực, cư trú, và lao động tại Đan Mạch.
Điểm đặc biệt trong hoạt động của công ty mình là chính mình sẽ là người trực tiếp tham gia vào cả quá trình cùng với các bạn sinh viên, từ khi ở Việt Nam cho đến khi sang đến Đan Mạch.
Mình cũng trực tiếp đón, đưa và đảm bảo các bạn về đến nơi thực tập hoặc làm việc an toàn. Trong thời gian ở Đan Mạch, mình luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu có vấn đề phát sinh. Mình không chỉ là tìm kiếm cơ hội việc làm mà còn muốn giúp các bạn sinh viên phát triển bản thân, thích nghi, học hỏi văn hóa, ngôn ngữ, và đặc biệt là phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.
Được biết chị đã phải tự thân vận động rất nhiều để xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác tại Đan Mạch. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này không?
Việc tiếp cận và thuyết phục các đối tác tại Đan Mạch là một thách thức rất lớn, bởi họ không quen thuộc với văn hóa, cách làm việc của người Việt Nam, đặc biệt việc hợp tác với sinh viên quốc tế cũng đòi hỏi nhiều cam kết.
Khi mình bắt đầu ý tưởng về việc giúp sinh viên Việt Nam sang Đan Mạch thực tập và làm việc, mình hiểu rằng cốt lõi là cần phải thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp địa phương.
Ban đầu, mình đích thân đi đến từng trang trại, nhà hàng, nhà xưởng để gặp gỡ các chủ doanh nghiệp và thuyết phục họ hợp tác với công ty mình.
Quá trình đó không hề dễ dàng, bởi mình phải tìm cách giải thích rõ ràng về giá trị mà các bạn sinh viên Việt Nam có thể mang lại cho họ, cũng như đảm bảo rằng công ty mình sẽ hỗ trợ sinh viên tối đa để không gây ra bất kỳ phiền phức nào cho doanh nghiệp.
Mình đã tạo niềm tin, cam kết về chất lượng, dù trong hành trình đó, có những lúc mình đã bị từ chối - bị nghi ngờ, nhưng mình coi đó là cơ hội để cải thiện cách thuyết phục và giải quyết những lo ngại của đối tác.
Sau mỗi cuộc gặp gỡ, mình hiểu thêm về nhu cầu của các doanh nghiệp Đan Mạch.
Dần dần, nhờ sự kiên trì, mình đã có được những đối tác đầu tiên. Khi các doanh nghiệp thấy được kết quả tích cực họ bắt đầu tin tưởng hơn và giới thiệu thêm các đối tác khác cho mình. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp mình mở rộng mạng lưới hợp tác và mang lại nhiều cơ hội thực tập, làm việc hơn cho các bạn sinh viên.
Mình luôn tin rằng, sự thành công của một mối quan hệ hợp tác không chỉ dựa trên lợi ích kinh tế, mà còn cần sự tin tưởng và đồng hành lâu dài. Việc xây dựng mối quan hệ bền vững là yếu tố then chốt giúp công ty mình có thể tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên và duy trì uy tín trong ngành.
Chị có thể chia sẻ về những khó khăn mà bản thân chị đã trải qua khi mới sang Đan Mạch không?
Khó khăn đầu tiên chính là ngôn ngữ. Dù đã học tiếng Anh từ trước, nhưng việc sử dụng tiếng Anh hàng ngày để giao tiếp thực sự là một thử thách lớn, nhất là trong những ngày đầu khi mình chưa tự tin và chưa quen với tốc độ cũng như ngữ điệu của người bản địa.
Khó khăn thứ hai là văn hóa. Mặc dù Đan Mạch là một đất nước rất hiện đại và cởi mở, nhưng phong cách sống, cách làm việc và tư duy của người dân nơi đây rất khác so với những gì mình đã quen ở Việt Nam. Mình đã mất khá nhiều thời gian để hiểu và thích nghi với cách làm việc độc lập, tự giác, tinh thần hỗ trợ nhau và rất chú trọng vào hiệu quả của người Đan Mạch. Tuy nhiên, chính những khó khăn ban đầu này đã giúp mình trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Mình đã học được cách tự tin, độc lập và linh hoạt trong mọi tình huống. Mỗi khó khăn đều là một bài học quý giá, và nhờ đó, mình đã có thể thích nghi, vượt qua những thử thách để vươn lên trong cuộc sống cũng như trong công việc.
Khó khăn thứ ba là cảm giác nhớ nhà và lạc lõng giữa môi trường mới. Mọi thứ quá mới mẻ và khác biệt, từ khí hậu đến thực phẩm, khiến mình hoặc các bạn sinh viên mới sang cảm thấy khó hòa nhập. Biết rõ điều đó, nên sau này mình hay tổ chức những buổi tiệc nhỏ vào những ngày đặc biệt như cuối tuần, lễ, tết để chúng mình có thể quây quần cùng nhau – lan tỏa tình đồng hương âm cúng.
Chị có thể chia sẻ thêm về quan điểm của chị về việc du học và làm việc tại Châu Âu không?
Mình muốn nhấn mạnh rằng: “Việc du học và làm việc tại Châu Âu, đặc biệt là Đan Mạch, không phải là một con đường trải đầy hoa hồng”.
Bạn cần rất nhiều nỗ lực, kiên trì và phải luôn trong tư thế sẵn sàng đương đầu với khó khăn.
Nhiều bạn có thể nghĩ rằng sang Châu Âu rất đơn giản, chỉ là một trải nghiệm dễ dàng và thuận lợi, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Không có nơi nào là thiên đường nếu bạn không tự cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Đi xa là cơ hội để thử thách giới hạn của bản thân, để sống tự lập, học hỏi và phát triển.
Muốn thành công, bạn phải sẵn sàng đối mặt với sự cô đơn, khó khăn và kể cả thất bại. Nếu các bạn thật sự quyết tâm, không ngại khó, không ngại khổ, thì hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng, tốt nhất nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định, vì Châu Âu không phải là nơi để ngồi chơi xơi nước.
Trong tương lai thương hiệu Việt Á sẽ có những định hướng hay sự đổi mới nào ạ?
Trong tương lai, công ty Việt Á sẽ mở rộng mạng lưới đối tác để tạo thêm nhiều cơ hội thực tập và việc làm tại Đan Mạch và các quốc gia khác trong khu vực. Đồng thời cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác để phục vụ nhu cầu của các bạn sinh viên như vận chuyển hàng hoá, buôn bán nhu yếu phẩm cần thiết để các bạn có thể mua hàng hoá từ một nơi đáng tin cậy với giá sinh viên nhất (cười).
Công ty cũng sẽ cải thiện quy trình chuẩn bị cho sinh viên, đổi mới dịch vụ tư vấn và phát triển các công cụ trực tuyến để tối ưu hóa quy trình.
Bên cạnh đó, mình cũng sẽ cố gắng xây dựng một cộng đồng kết nối cho sinh viên Việt Nam tại Đan Mạch, giúp chúng mình dễ dàng giao lưu và hỗ trợ nhau.
Cảm ơn chị Vy Thanh đã dành thời gian chia sẻ hành trình đầy thú vị và những góc nhìn hữu ích của chị khi đến Đan Mạch sinh sống và làm việc. Chúc chị và công ty Việt Á sẽ tiếp tục phát triển, chinh phục được nhiều thành công trong tương lai.