Ngành Fintech (công nghệ tài chính) đang trở thành miền đất hứa cho thế hệ trẻ muốn chinh phục cả hai thế giới công nghệ và tài chính.
Trong kỷ nguyên số, sự bùng nổ của công nghệ không chỉ làm thay đổi cách chúng ta sống, học tập và giao tiếp, mà còn đang tái định hình hoàn toàn lĩnh vực tài chính, lĩnh vực vốn được xem là truyền thống và khô khan.
Và sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ đã tạo nên một “ngành công nghiệp mới” mang tên Fintech (viết tắt của Financial Technology: công nghệ tài chính) đang nhanh chóng vươn lên như một trong những lĩnh vực hấp dẫn và phát triển nhanh nhất hiện nay.
Fintech là gì?
Hiểu một cách đơn giản, Fintech là việc áp dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, Big Data hay điện toán đám mây vào các dịch vụ tài chính nhằm cải thiện hiệu quả, bảo mật và trải nghiệm người dùng. Nếu trước đây việc mở tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, vay vốn hay đầu tư tài chính đòi hỏi thời gian và thủ tục rườm rà, thì nay mọi thứ có thể được thực hiện nhanh gọn chỉ bằng vài cú chạm trên điện thoại.
Từ các ứng dụng thanh toán không tiền mặt như MoMo, ZaloPay cho đến các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P lending), ví điện tử, bảo hiểm số hay robot đầu tư (robo-advisors), Fintech đang len lỏi vào mọi ngóc ngách trong đời sống tài chính hiện đại.
Không phải ngẫu nhiên mà Fintech được nhiều chuyên gia gọi là “điểm giao thoa giữa hai lĩnh vực quyền lực nhất thời đại”: tài chính và công nghệ. Sự kết hợp này không chỉ tạo ra các sản phẩm đột phá mà còn mở ra vô vàn cơ hội nghề nghiệp mới, đặc biệt là với giới trẻ năng động, yêu thích đổi mới và có tư duy toàn cầu.
Cùng với xu hướng số hóa mạnh mẽ, nhu cầu tuyển dụng trong ngành Fintech không ngừng tăng. Từ các công ty khởi nghiệp, ngân hàng số đến các tập đoàn công nghệ lớn đều “khát” nhân sự am hiểu cả tài chính lẫn công nghệ. Đặc biệt, những vị trí đang được săn đón nhiều nhất có thể kể đến:
-
Lập trình viên và kỹ sư phần mềm: xây dựng hệ thống, ứng dụng tài chính.
-
Chuyên viên phân tích dữ liệu: khai thác dữ liệu hành vi người dùng để đưa ra quyết định chiến lược.
-
Chuyên gia bảo mật và an ninh thông tin: bảo vệ hệ thống giao dịch tài chính khỏi các rủi ro mạng.
-
Chuyên viên thiết kế UI/UX: đảm bảo trải nghiệm người dùng mượt mà và trực quan trên các nền tảng số.
-
Nhà phân tích tài chính số: kết hợp dữ liệu và kiến thức tài chính để dự báo và đưa ra giải pháp đầu tư.
-
Giám đốc phát triển sản phẩm và chiến lược kinh doanh số: định hướng sản phẩm và mở rộng thị trường.
Mức thu nhập đáng mơ ước
Sức hút của ngành Fintech không chỉ đến từ tiềm năng phát triển mà còn bởi mức thu nhập cao so với mặt bằng chung. Tại Việt Nam, nhiều vị trí trong lĩnh vực này có mức lương khởi điểm từ 1.000 đến 2.000 USD/tháng và có thể lên đến 3.500 USD hoặc cao hơn đối với những nhân sự có kỹ năng chuyên sâu hoặc kinh nghiệm quốc tế.
Điều này phần nào lý giải vì sao ngày càng nhiều bạn trẻ chuyển hướng sang học các chuyên ngành liên quan đến công nghệ tài chính một sự lựa chọn thông minh giữa thời đại số.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Fintech nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê, hiện cả nước đã có hơn 150 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech, hoạt động đa dạng từ thanh toán điện tử, gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng đến bảo hiểm công nghệ.
Chính phủ cũng đang tích cực thúc đẩy hệ sinh thái số bằng các chính sách hỗ trợ thanh toán không tiền mặt, định danh điện tử (eKYC) và các hành lang pháp lý phù hợp. Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của người dùng smartphone và internet, thị trường Fintech Việt Nam đang ở trong “thời kỳ vàng” để bứt phá.