Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến từ các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2025. Theo đề xuất, người lao động có thể được nghỉ 9 ngày liên tiếp.
Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã gửi phương án đề xuất kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 lấy ý kiến của các bộ, ngành để trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Năm nay, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đề xuất một phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo dự thảo tờ trình, cán bộ, công chức, viên chức có thể được nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ theo quy định (trong đó có 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết) và 4 ngày nghỉ hằng tuần.
Lịch nghỉ Tết chính thức bắt đầu từ thứ Hai, ngày ngày 27/1/2025, tức 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ nghỉ 5 ngày nghỉ theo quy định gồm 28, 29 tháng Chạp và 3 ngày mùng 1, 2, 3 Tết, tức hết ngày thứ sáu, 31/1/2025.
Tuy nhiên, liền trước 5 ngày nghỉ lễ chính thức này là 2 ngày nghỉ cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật - ngày 25-26/1/2025, tức 26, 27 tháng Chạp âm lịch). Sau 5 ngày nghỉ Tết chính thức lại là 2 ngày nghỉ cuối tuần liên tiếp (thứ Bảy và Chủ nhật ngày 1-2/2/2025). Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức có thể nghỉ tới 9 ngày.
Như vậy, theo phương án đề xuất, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch từ thứ Bảy ngày 25/1/2025 (ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 2/2/2025 Dương lịch (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Các năm trước, Bộ LĐ-TB&XH thường đưa ra nhiều phương án đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán do có thể phải hoán đổi ngày nghỉ. Tuy nhiên, năm nay Bộ chỉ đưa ra một phương án nghỉ Tết.
Hằng năm, người lao động ở nước ta có 11 ngày nghỉ lễ. Cụ thể như sau:
- Tết Dương lịch (1/1): 1 ngày.
- Tết Nguyên đán: 5 ngày, thời điểm cụ thể thay đổi theo quy định của Nhà nước.
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 Âm lịch): 1 ngày.
- Ngày Chiến thắng (30/4): 1 ngày.
- Ngày Quốc tế Lao động (1/5): 1 ngày.
- Ngày Quốc khánh: 2 ngày, gồm ngày 2/9 và một ngày liền kề trước hoặc sau.