Trong những chặng đường vinh hiển của các đại diện nhan sắc Việt Nam tại đấu trường hoa hậu toàn cầu chắc chắn không thể nào thiếu dấu ấn sáng tạo độc đáo của những khối óc - “xuất thân từ trường Đại học Hoa Sen (HSU)”.
MISS UNIVERSE 2020
Suốt những ngày qua, công chúng hầu như đổ dồn về Hoa hậu Khánh Vân trong hành trình chinh phục Miss Universe 2021. Đáng chú ý, phần thi trang phục dân tộc của nàng hậu chính là bộ “Kén Em” đình đám của nhà thiết kế Khoa Lỗ.
Khoa Lỗ hay Phan Vũ Khoa xuất thân là thủ khoa ngành Thiết kế thời trang - khoa Thiết kế và Nghệ thuật trường Đại học Hoa Sen. Năm 2017, Bộ sưu tập “Le Cirque du freak” của anh được bình chọn là Đồ án ấn tượng và xuất sắc nhất từ Ban giám khảo chuyên môn của Hội đồng đồ án tốt nghiệp.
Khoa Lỗ đã manh nha ý tưởng “Kén em” từ sau một chuyến du lịch đến làng lụa Tân Châu. “Kén Em” mang câu chuyện từ tằm nhả tơ, một chất liệu đầy tinh tế, đề cao đức tính tỉ mẩn, tinh thần nhẫn nại của con người Việt Nam. Bên trong chiếc kén mô tả nghề se tơ dệt lụa nhộn nhịp, qua guồng quay và các cuộn tơ trắng tinh. Chiếc áo dài hiện ra lụa là và mượt mà, là sự kết thành của bao công sức và tâm huyết, mang thông điệp tiếp nối và phát triển của một câu chuyện làng nghề Việt Nam.
Chia sẻ cảm nhận về thiết kế “Kén em”, Hoa hậu Khánh Vân cho biết: “Cảm ơn nhà thiết kế Khoa Lỗ và Tín Thái rất nhiều vì giúp Vân có một bộ trang phục tuyệt vời như thế này. Kén Em so với bản vẽ giống đến 90%, trong quá trình thực hiện, ê-kíp có thảo luận thống nhất chỉ thay đổi vài chi tiết cho việc mang cái kén phía sau được dễ dàng hơn, còn lại đều giống nguyên mẫu. Lúc nhìn thấy trang phục hoàn chỉnh, Vân phải thốt lên: Đây chính là trang phục dân tộc mà mình đã hình dung.”
MISS UNIVERSE 2016
Tín Thái (Thái Trung Tín), anh cũng là Cựu sinh viên của Ngành Thiết kế thời trang - Khoa Thiết kế và Nghệ thuật - trường Đại học Hoa Sen. Giới mộ điệu thời trang vẫn không quên BST “Nàng Mây” của Tín Thái đã theo chân Á hậu Lệ Hằng đến Miss Universe 2016.
"Nàng Mây" được cảm hứng từ nét đẹp dung dị và giản đơn nhất trong cuộc sống người Việt ta, là ý muốn được tôn vinh một ngành nghề truyền thống và thèm khát một sự giao thoa giữa hiện đại và cổ truyền, Á Đông và u Châu. Từ khi lên ý tưởng cho đến thực hiện thành phẩm khoảng thời gian kéo dài hơn 5 tháng, trải qua gần 4 vòng thi cam go và đọng lại trong Tín rất nhiều kỷ niệm đẹp.” - NTK trẻ từng chia sẻ.
Trở lại với “Kén Em”, NTK Tín Thái đã có một cuộc tâm sự với NTK Khoa Lỗ, họ đều từng là cựu sinh HSU, để đưa ra quyết định kết hợp cho việc thực hiện tác phẩm này. Tín Thái chia sẻ: “Một tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều cần sự đầu tư. Tín muốn dành toàn phần chi phí thực hiện hai tác phẩm, vào cho một tác phẩm, là Kén Em, bởi Tín nghĩ rằng Kén Em phù hợp với Khánh Vân”.
MISS GRAND INTERNATIONAL 2019
NTK Tín Thái chính là chủ nhân của bộ thiết kế “Huyền Đăng Hội”, bộ trang phục dân tộc của Kiều Loan đi chinh chiến tại Miss Grand International 2019.
Tác phẩm mang hình bóng của phố cổ Hội An, một nơi đầy giá trị lịch sử và nội tại văn hoá, mỹ thuật sâu rộng. Hội An còn là biểu tượng của du lịch, của sự phồn hoa, ước lệ trong niềm thấp thoáng hoài cổ trước chiều dài lịch sử của một thương cảng sầm uất tại Việt Nam.
Hai nhà thiết kế trẻ, với phong cách và triết ngôn sáng tạo riêng của mình đã truyền cảm hứng cho các thế hệ HSU nói riêng và những cá nhân đam mê sáng tạo, thời trang nói chung. Có thể nói, cũng chính môi trường đào tạo, thực học - thực hành, văn hoá tôn trọng sự khác biệt và trải nghiệm sinh viên sống động của HSU đã giúp nhiều thế hệ tài năng bứt phá giới hạn bản thân, gặt hái nhiều thành tựu lớn trong sự nghiệp.
Đặc biệt là khoa Thiết kế và Nghệ thuật, tập trung đào tạo hướng tới sự phát triển tư duy trí tuệ toàn diện, biểu hiện sáng tạo thông qua một chương trình giảng dạy có cấu trúc cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và công nghệ, giữa sáng tạo và logic. HSU luôn chào đón thí sinh có quan tâm và nguyện vọng học tại trường.