24h
Yeah1 News

[Review] Song Song: Khi chuyến tàu du hành thời gian bất ngờ bị trật bánh

Thứ tư, 31/03/2021 | 00:13 (GMT+7)

Song Song dường như là bộ phim chứng minh cho câu nói không phải một kịch bản tốt thì có thể làm thành một bộ phim hay.

Ngay từ khi tung teaser đầu tiên, Song Song đã thu hút sự chú ý của khán giả bởi sự căng thẳng, ma mị và đề tài xuyên không còn mới lạ với điện ảnh Việt Nam. Không những thế, tác phẩm còn đánh dấu sự tái xuất của nữ diễn viên Nhã Phương sau thời gian mang thai và chăm con. Với những yếu tố trên, khán giả có quyền kỳ vọng Song Song sẽ thổi một làn gió mới vào làng điện ảnh Việt Nam dịp đầu năm, sau "cơn sốt trăm tỷ" mang tên Bố Già vẫn chưa chịu hạ nhiệt. Tuy nhiên, tác phẩm thứ hai của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng vẫn chưa thể làm thỏa mãn số đông khán giả.

Song Song đã thu hút sự chú ý của dư luận ngay khi công bố dự án
Song Song đã thu hút sự chú ý của dư luận ngay khi công bố dự án

Chuyển thể từ kịch bản gốc của Tây Ban Nha mang tên Mirage, Song Song kể câu chuyện về Phong (Thuận Phát), một cậu bé thích chơi đàn và quay phim bằng chiếc máy quay phim cũ đặt trên TV. Trong một lần phát hiện vụ án giết người tàn bạo của gã hàng xóm Sơn (Tiến Luật) và chạy trốn khỏi hắn, Phong đã tử nạn bởi một chiếc xe tải trong một chiều mưa giông. 20 năm sau, Trang (Nhã Phương) cùng chồng là Quân (Trương Thế Vinh) và con gái là bé Cún (Bé Bảo Tiên) chuyển đến ngôi nhà năm xưa của Phong. Sự sắp đặt của định mệnh đã khiến cho Trang và Phong gặp nhau qua chiếc TV nhỏ, để rồi khi cảnh báo Phong về vụ tai nạn sắp tới của cậu bé, Trang đã vô tình thay đổi số phận của mình.

Khi thể loại viễn tưởng được khoác thêm chiếc áo kinh dị

Cốt lõi là một bộ phim viễn tưởng, nhưng Song Song lại gánh vác một trọng trách khá nặng là "cân" thêm nhiều thể loại khác như kinh dị, trinh thám, tình cảm. Và rất may, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng đã cân bằng mọi thứ khá tốt, đặc biệt là màu sắc kinh dị được "thổi" vào Song Song đã tạo được những hiệu ứng nhất định.

Yếu tố kỳ bí được tận dụng một cách triệt để
Yếu tố kỳ bí được tận dụng một cách triệt để

Có thể dễ dàng nhận thấy, chất kinh dị được thể hiện qua bầu không khí căng như dây đàn gần như là một tấm áo lớn bao trùm cả bộ phim. Song Song xây dựng yếu tố kinh dị giống như các bộ phim tâm lý khoác áo kinh dị đình đám của Mỹ như Midsommar, Goodnight Mommy hay Relic, tức là những điều đáng sợ không đến từ những pha jumpscare, hù dọa rẻ tiền, mà bắt nguồn từ chính bầu không khí đặc quánh sự nguy hiểm và ma mị, được tạo nên bởi sự kết hợp hoàn hảo của âm thanh, góc máy, màu sắc, cách sắp đặt tình huống, thiết kế bối cảnh. Đặc biệt, bối cảnh năm 1999 trong phim được xây dựng với những vật dụng, chi tiết mang đầy hoài niệm của thế hệ 9x như chương trình thời sự mỗi tối, căn phòng dán đầy hình thần tượng cũng là một yếu tố thuyết phục khán giả tin vào câu chuyện mình đang xem.

Chiếc TV cũ là cầu nối hai chiều không gian của Trang và bé Phong
Chiếc TV cũ là cầu nối hai chiều không gian của Trang và bé Phong

Ở phần đầu phim, khán giả gần như nghẹt thở khi chứng kiến bi kịch của cậu bé Phong cũng như khi Trang và Phong lần đầu gặp nhau qua chiếc TV cũ. Mọi chuyện đều được đặt trong bối cảnh của một trận bão, do đó đạo diễn có thể dễ dàng tạo ra một không khí âm u và rợn người, cộng với phần nhạc phim được chăm chút kỹ lưỡng đã thật sự đẩy được cảm xúc người xem đến ngưỡng căng thẳng. 

Cái chết đẫm máu mở màn cho một chuỗi bi kịch của số phận
Cái chết đẫm máu mở màn cho một chuỗi bi kịch của số phận

Dàn diễn viên ổn định và tròn vai

Trở lại với điện ảnh, Nhã Phương mang đến cho khán giả một Trang đầy tình cảm nhưng vô cùng quyết liệt trong những quyết định của mình. Cô có thể bất chấp mọi thứ để quay trở về cuộc sống cũ, chấp nhận hy sinh bản thân để được gặp lại con gái. Đây là một vai diễn tiềm năng, tâm lý tốt và có nhiều đất để diễn viên có thể "vẫy vùng" trong "sân chơi" riêng của mình. Tuy nhiên, Trang dường như là một bước hụt đầy tiếc nuối của Nhã Phương. Bà xã Trường Giang vẫn xử lý tâm lý nhân vật tốt mà không bị hụt hơi, nhưng nữ diễn viên lại thiếu những khoảnh khắc bùng nổ và "tới bến" với nhân vật của mình.

Trang của Nhã Phương chưa đủ sức nặng để khán giả đồng cảm
Trang của Nhã Phương chưa đủ sức nặng để khán giả đồng cảm

Trương Thế Vinh khá thành công vào vai một người chồng mang nhiều bí mật ghê sợ. Nét diễn và cách thoại tự nhiên của anh khiến khán giả tin vào những gì Quân làm cho Trang, để rồi vỡ lẽ ở hồi cuối phim.

Trương Thế Vinh nhập vai khá tốt nhưng còn ít đất diễn
Trương Thế Vinh nhập vai khá tốt nhưng còn ít đất diễn

Điều bất ngờ nhất phải kể đến sự xuất hiện của Võ Đình Hiếu, anh là nhân vật được nhà sản xuất giấu kín kể từ khi công bố dự án phim cho đến khi Song Song ra rạp. Nam diễn viên Xin Lỗi Anh Chỉ Là Thằng Bán Bánh Giò đã có một màn trình diễn xuất sắc sau một thời gian dài vắng bóng khỏi màn ảnh rộng. Và vai diễn trong Song Song dường như là một bước trưởng thành đáng nể của anh trên con đường diễn xuất.

Nhịp điệu phim như một chuyến tàu lượn siêu tốc

Nguyễn Hữu Hoàng là một đạo diễn có khả năng giữ mạch cảm xúc khán giả xuyên suốt bộ phim mà không bị trôi tuột như nhiều bộ phim Việt Nam thường mắc phải. Tuy nhiên, sự căng thẳng của Song Song dường như là con dao hai lưỡi khi càng về sau, khán giả càng cảm thấy mệt mỏi với sự u ám này. Tác phẩm viễn tưởng này thiếu những khoảng nghỉ để khán giả kịp thở phào sau khi trải qua một tình huống gay cấn nào đó. Mọi thứ cứ như con tàu đi trên đường ray thẳng tắp mà không có trạm dừng.

Nếu ví cảm xúc của Song Song như một chuyến tàu lửa cứ lao đi không đích đến, thì nhịp điệu của phim lại giống hệt một chuyến tàu lượn siêu tốc, lúc lên lúc xuống thất thường. Sở hữu một kịch bản gốc cực kỳ chắc tay, nhưng cách kể chuyện của Song Song còn khá yếu nên mạch phim không thể cân bằng được.

Mạch phim đôi lúc bị lê thê quá mức
Mạch phim đôi lúc bị lê thê quá mức

Nếu như phần đầu phim, khán giả vừa hồi hộp và lo sợ cho Trang và Phong thì ngay sau đó, khi Trang rơi vào một chiều không gian khác, mọi thứ bắt đầu bị trì trệ một cách chán nản. Sự u ám vẫn còn đó, nhưng tình tiết phim bắt đầu trở nên dài dòng và lê thê khiến sự hứng khởi ban đầu của khán giả biến mất hoàn toàn. Nhưng đến gần cuối phim, khi những nút thắt được gỡ và cú twist của phim được bung ra, nhịp phim mới có thể dồn dập và cuốn hút trở lại.

Sự liên kết giữa Trang và con gái được xây dựng chưa đủ sâu
Sự liên kết giữa Trang và con gái được xây dựng chưa đủ sâu

Song Song lấy lý thuyết về hiệu ứng cánh bướm làm xương sống để phát triển mạch truyện, rằng khi một điều nhỏ ở quá khứ bị thay đổi, hiện tại cũng sẽ thay đổi theo. Với một câu chuyện viễn tưởng được kể ở nhiều nhánh thời gian, không gian khác nhau, Song Song đã không thành công trong việc kết nối các sự kiện một cách mạch lạc, dẫn đến sự khó hiểu cho khán giả. Thêm vào đó, nhiều "hạt sạn" về tính logic đến từ hành động của các nhân vật cũng khiến mạch truyện bị đứt khúc khá nhiều.

Song Song không phải một bộ phim hoàn hảo khi cảm giác của khán giả sau khi xem phim chỉ là một sự lưng chừng và hụt hẫng. Tuy nhiên, đối với fan của dòng phim "hack não" và viễn tưởng, Song Song hẳn sẽ là một món ăn lạ giữa mâm cỗ phim Việt tràn ngập thể loại hài, tình cảm thời gian gần đây.

Ảnh: Internet

Quốc Thái

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news
Từ khóa: Nhã Phương   review phim   Song Song  

Cùng chuyên mục