Sự kết hợp của Lee Jung-jae và Jung Woo-sung trong Săn Lùng đã mang lại loạt hành động, kỹ xảo không thua kém Hollywood. Song, việc sở hữu câu chuyện rối rắm, khó nuốt khiến phim khó lòng tiếp cận khán giả đại chúng.
Săn Lùng (Tựa gốc: Hunt) lấy bối cảnh Hàn Quốc trong thập niên 70, 80 nhiều biến động về chính trị và xã hội. Chuyện phim xoay quanh hai người đứng đầu Park Pyong-ho (Lee Jung-jae) - Trưởng ban Đối ngoại và Kim Jung-do (Jung Woo-sung) - Trưởng ban Đối nội và quá trình truy bắt, săn lùng gián điệp Triều Tiên Donglim vốn đã thâm nhập vào sâu Cục Tình Báo Hàn Quốc và chực chờ thời cơ mưu sát Tổng thống đương nhiệm.
Thêm một điểm sáng cho kỹ xảo, dàn dựng điện ảnh xứ Kim Chi
Bối cảnh loạn lạc đã hiện lên cực rõ nét ngay từ những màn đấu súng kịch liệt khi phim chỉ vừa mở đầu, tiếp đó là sự cân não và vô vàn những lần giao tranh cả về trí óc lẫn "tay chân" giữa hai phe đối nội - đối ngoại bởi hiềm khích trong công tác lẫn nhiệm vụ truy lùng nội gián bí mật mà mỗi bên sở hữu.
Phim có nhiều trường đoạn rượt đuổi bằng ô tô, súng đạn nổ ra kèm theo những va chạm và nhiều phen cháy nổ cực căng thẳng và thỏa mãn người xem đam mê hành động. Thêm nữa, dù ngắn nhưng phim đã đưa vào một màn xâm phạm lãnh thổ trên không, đáng tiếc là chưa thể biến thành một trận không chiến kịch liệt. Dù vậy, việc dám ứng dụng kỹ xảo cho không quân, sẵn sàng cho nổ tung nhiều tòa nhà để thêm phần kịch tính cũng đủ để người xem hài lòng trước sự tiến bộ của điện ảnh Hàn.
Diễn xuất tài tình, dày dặn kinh nghiệm của bộ đôi Lee Jung-jae và Jung Woo-sung
Năng lực nhập vai, thể hiện trọn vẹn nhân vật mà hai nam tài tử đình đám Lee Jung-jae và Jung Woo-sung đã góp phần rất lớn để Săn Lùng trở nên lôi cuốn hơn, đen tối hơn và không ngừng dồn những suy đoán của người xem vào ngõ cụt rồi kèm theo những pha lật mặt đầy bất ngờ.
Không chỉ làm tốt những phân cảnh hành động, đánh đấm ở U50, hai diễn viên còn chinh phục người xem bởi diễn xuất bằng mắt, lột tả nội tâm phức tạp gây ngờ vực về thân phận thật sự của cả hai và sự thật đằng sau họ vẫn luôn che giấu.
Lỗ hổng quá lớn trong kịch bản gây nhiều tiếc nuối
Không theo đuổi lối làm phim hành động thông thường mà gia cố quá nhiều yếu tố tâm lý, tạo bối cảnh rối rắm nhưng lại liên tục xoay chuyển, cắt xén chưa gọn khiến người xem khó mà nắm bắt được câu chuyện và diễn biến tiếp theo.
Ngoài ra, so với mở màn giản lược thì càng về sau phim càng kéo dài, mang đến cảm giác nặng nề khi cài cắm nhiều vấn đề trong thân phận các nhân vật nhưng lại chưa thể có một cái kết ổn thỏa, hài lòng người xem.
Tóm lại, Săn Lùng là một tác phẩm hành động nặng tâm lý, đòi hỏi người xem phải tập trung vào nhiều chi tiết nhỏ cài cắm liên tục trong câu chuyện. Trái lại, thay vì tiết chế và dựng đường dây dễ hiểu thì phim vô tình sa đà vào hố sâu kịch bản, đôi lúc khó hiểu. Chính vì vậy, dù tiến bộ và để lại ấn tượng mạnh trong khâu hành động, cháy nổ cùng nhiều kỹ xảo tiến bộ nhưng phim chắc hẳn sẽ vấp phải nhiều khó khăn để chinh phục thị trường phim thương mại.
Thanh Trúc