Nhà Bà Nữ khởi động đường đua phim Tết bằng câu chuyện đời thường, gần gũi và lắng đọng. Phim vượt trội hơn Bố Già về việc xoáy sâu nhiều vấn đề cùng lúc mà vẫn giàu cảm xúc.
Gần một năm sau thành công lớn của Bố Già với doanh thu gần 400 tỷ, Trấn Thành chính thức mang Nhà Bà Nữ - đứa con tinh thần tiếp theo do riêng mình làm đạo diễn gia nhập đường đua phim Việt dịp Tết Nguyên Đán 2023. Nhà Bà Nữ một lần nữa chọn đề tài phim tình cảm, gia đình như đàn anh nhưng lần này là xung đột trong quan hệ mẹ - con của bà Ngọc Nữ và cô con gái út Ngọc Nhi. Ngoài ra, phim khắc họa nhiều vấn đề rối rắm tồn tại trong các mối quan hệ tình yêu, tình cảm vợ chồng một cách chân thực.
Nội dung chắc, sát thực tế gây xúc động mạnh
Chuyện phim Nhà Bà Nữ kể về một gia đình bán bánh canh cua nổi tiếng tại khu vực Thủ Đức gồm ba thế hệ cùng sinh sống gồm: bà ngoại Ngọc Ngà (NSND Ngọc Giàu); Ngọc Nữ (Lê Giang) - bà chủ quán và là trụ cột kinh tế gia đình; vợ chồng con gái lớn Ngọc Như (Khả Như) - Phú Nhuận (Trấn Thành) và con gái út Ngọc Nhi (Uyển Ân). Là một người nghiêm khắc, muốn mọi thứ phải theo khuôn khổ của mình khiến bà Nữ trong mắt con cái là một người mẹ cộc cằn, soi xét và chỉ thích người nào, chuyện gì cũng phải làm theo ý mình.
Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến hai cô con gái, đặc biệt là Nhi đang tuổi đôi mươi ương bướng nên xảy ra không ít xung đột, đỉnh điểm là sự kiện bỏ nhà "đi bụi". Kể từ đó, nhiều biến cố ập đến khiến mỗi người trong gia đình có thể nhìn nhận lại bản thân và giải quyết mẫu thuẫn với nhau.
Thoạt nhìn, nội dung phim Nhà Bà Nữ hiện lên khá đơn giản, chất liệu làm nên từng mảnh truyện nhỏ trong phim quá đỗi gần gũi với cuộc sống thực mang đến cảm giác đang ngồi nghe kể lại hoặc tận mắt chứng kiến gia đình hàng xóm "ồn ào" cạnh nhà mình. Phim chia làm ba hồi, nhưng hồi một nặng tự sự và dàn trải để giới thiệu bối cảnh nhân vật nên tạo cảm giác hơi dài. Mạch phim nhanh, gọn hơn ở hồi hai khi Nhi nảy sinh tình yêu với John (Song Luân) và bắt đầu vẽ nên cuộc sống màu hồng, tươi vui. Cuối cùng, mọi thứ dồn nén và nỗi niềm được đẩy lên đỉnh điểm để rồi cảm xúc tuôn trào trong hồi cuối, mang đến nhiều sự đồng cảm và gây xúc động cho khán giả.
Tiếp đến, lời thoại dùng trong phim có đến 70% là tự nhiên, hợp với bối cảnh gia đình hồ nháo, ồn ào của bà Nữ. Nhiều lời thoại phát ra từ hai nhân vật bà ngoại Ngọc Ngà và Youtuber Lê Minh Hổ (Lê Dương Bảo Lâm) tự nhiên, vui nhộn khiến người xem cười không ngớt. Song, khoảng 30% còn lại vẫn được đóng trong khuôn khổ và thỉnh thoảng đưa người xem tới cảm giác thoại quá nhiều, thông điệp lúc đó có thể truyền tải bằng hành động thì người xem sẽ có thời gian ngơi nghỉ, thấu cảm nhiều hơn.
Diễn xuất ổn định, bật lên nhiều nỗi niềm trong nhân vật
Nhận được nhiều sự chú ý từ lần xuất hiện trong Bố Già, Lê Giang khiến người xem hài lòng khi lên tuyến chính, thể hiện nhân vật bà Nữ đáng trách mà cũng đáng thương đầy ấn tượng. Khán giả có thể nhìn thấy hình ảnh một người mẹ cố chấp, cổ hủ và hành trình rũ bỏ cái tôi nhiều trắc trở thông qua nhân vật này. Tiếp đến, Uyển Ân gây bất ngờ khi diễn xuất ổn định, lột tả nội tâm nhân vật vừa phải và để lại nhiều suy tư, sự đồng cảm trong thế hệ người trẻ. Thêm nữa, cặp đôi Nhi - John có phản ứng hóa học tốt, phản ánh nhiều thực trạng vấn đề trong các đôi tình nhân, những người khởi nghiệp nhiều hoài bão nhưng cũng đương đầu với không ít bài học đau thương. Song Luân đã có tiến bộ hơn trong cách bộc lộ cảm xúc nhân vật, đài từ.
Tuy đã lùi về tuyến phụ, không xuất hiện nhiều nhưng Trấn Thành và Khả Như cũng xuất hiện tròn trịa khi đem đến khung cảnh đôi vợ chồng điển hình luôn gò bó, kìm kẹp nhau để rồi nhận về toàn tổn thương, tan vỡ.
Trấn Thành lấn sân an toàn, cần thêm bứt phá
So với tác phẩm đồng đạo diễn cùng Vũ Ngọc Đãng, Nhà Bà Nữ do một tay Trấn Thành chỉ đạo được xem là một nước cờ an toàn, có tiến bộ nhưng chưa thật sự bứt phá. Cùng theo đuổi dòng phim gia đình, các yếu tố từ bối cảnh, trang phục hay việc lựa chọn màu phim khá quen thuộc, tạo không khí gần gũi giúp cảm xúc chạm đến người xem tự nhiên hơn. Kịch bản phim lần này cũng gia cố thêm nhiều góc khuất trong mỗi gia đình, không bi kịch hóa nhưng đủ để lấy nước mắt khán giả vì tạo cục diện ai cũng có thể bắt gặp vấn đề mà bản thân đã, đang hoặc sẽ gặp trong cuộc sống đời thường.
Dẫu vậy, phim cần thêm nhịp nghỉ thay vì quá dồn dập và đưa ra cách giải quyết khi người xem chưa kịp lắng đọng với sự kiện vừa diễn ra thì bầu không khí đã đột ngột chuyển hướng. Phim vẫn có các khung hình đẹp nhưng đâu đó một vài góc máy quay từ dưới lên chưa đẹp, không bổ trợ nhiều. Cuối cùng, phần âm nhạc được sử dụng mang nhiều âm hưởng Web Drama, chưa bật lên nét đặc trưng của điện ảnh.
Nhìn chung, Nhà Bà Nữ mang đến không khí gia đình vừa vui nhộn nhưng cũng không kém phần đau thương và đậm nét Á Đông hay nói cụ thể là phong cách các gia đình Việt. Nhiều thế hệ cùng chung sống nhưng lại không thể ngồi lại bộc lộ cảm xúc chân thực, để rồi yêu thương và quan tâm nhau chưa đúng cách dẫn đến những cãi vã làm tổn thương nhau. Phim có đủ gia vị khiến người xem nghẹn ngào, òa khóc khi ngẫm lại bản thân và mối quan hệ với những người xung quanh, khá phù hợp với không khí Tết.
Thanh Trúc