Sở hữu phong cách làm phim đặc trưng của đạo diễn Lưu Huỳnh cộng thêm 5 năm thanh xuân chờ được kiểm duyệt khiến Người Tình nhuốm một sắc màu cũ kĩ, có ý vị nhưng lại gây khó khăn để cảm nhận cho khán giả.
Đã rất lâu rồi, khán giả mới lại chứng kiến sự tái xuất của Đạo diễn Lưu Huỳnh sau loạt dự án để lại dấu ấn trong khán giả như: Lấy chồng người ta, Áo lụa hà đông,... Vốn sở hữu lối làm phim khác biệt, nổi tiếng khó cảm nên khán giả nửa phần trông đợi sự trở lại của ông trong tác phẩm Người Tình gắn mác 18+ với những hình ảnh táo bạo, nóng bỏng mắt và rồi nửa phần còn lại là sự lo lắng, hồi hộp khi so sánh chất liệu phim với thị trường điện ảnh đầy cạnh tranh hiện nay.
Kịch bản táo bạo, lột tả những góc tối xã hội nhưng chưa súc tích
Khởi động dự án từ 2016 nhưng phải mất hơn 5 năm chỉnh sửa, thay đổi để đội ngũ làm phim mang được Người Tình đến gần với khán giả màn ảnh rộng mà vẫn giữ được phần nào nội dung muốn gửi gắm. Và nỗ lực này không khiến người xem phải thất vọng khi theo dõi Người Tình, bởi xuyên suốt phim là sự xuất hiện của nhiều hình ảnh cực nóng, bạo gan mà trước nay hiếm thấy ở các tác phẩm nội địa. Điều đáng khen là góc quay và những điểm nhìn với cảnh nóng được xử lý ổn, không gây phản cảm và một trong số đó còn trở thành điểm nhấn cho tâm lý của nhân vật.
Điểm trừ lớn của phim rơi vào việc chưa điều tiết được nhịp độ của câu chuyện, 2/3 giai đoạn đầu của phim đều diễn ra quá chậm, mang cảm giác dài lê thê. Dẫu phim mang nhiều ý tứ nhưng việc không biết cách bộc lộ tốt, phân bổ và cắt xén hợp lý đã đẩy phim vào góc chết, khó mà lấy lòng người xem hay thậm chí là cho họ sự đồng cảm với các nhân vật và câu chuyện đang diễn ra.
May mắn, khi gần về đến đoạn kết phim có plottwist gây sốc, chỉ một cú chuyển mình, lật mặt mà cứu lại phần nào cái nhìn của khán giả, lôi kéo họ trở lại với ý nghĩa thật sự của câu chuyện.
Màu phim, âm nhạc gợi nhiều hồi ức
Người Tình gây nhớ thương bằng một màu phim rất đỗi xưa cũ, hệt như những thước phim thời 10, 20 năm về trước. Việc chọn bối cảnh, màu sắc này đối với đoàn làm phim như một canh bạc, ranh giới giữa được và mất là vô cùng mong manh. Phim sẽ nhận được sự ưu ái từ những ai đam mê nét màu thơ thẩn, ám vàng gợi nhiều kỉ niệm nhưng lại vì sự sắp xếp chưa khéo mà các đoạn chuyển cảnh khác biệt quá lớn về màu, độ sáng khiến người xem tụt cảm xúc.
Phim sử dụng những bài nhạc cũ, nhịp điệu quen thuộc góp phần tăng tính nghệ thuật nhưng đâu đó hiệu ứng âm thanh lại bán đứng ý đồ của đạo diễn, khiến khán giả ngẩn ngơ không kịp hiểu vấn đề gì đang xảy ra.
Năng lực diễn xuất còn chênh lệch, lúc dạt dào khi lại cứng đờ
Chuyện phim gói gọn trong vai trò của một vài nhân vật nên buộc lòng để truyền tải nội dung triệt để thì gánh nặng đè lên kỹ năng diễn xuất và cảm xúc nhân vật rất nhiều, đặc biệt là mối tình tay ba của Hưng (Hà Việt Dũng) - họa sĩ nổi tiếng, giàu có cùng cô vợ Diễm Tình (Minh Tú) và người bạn thân Sơn (Đức Hải) - họa sĩ nghèo, tù tội. Song, khả năng diễn xuất của cả 3 đều chưa có sự đột phá, duy chỉ có Đức Hải với nhân vật Sơn nhiều lần khiến người xem sốc, ấn tượng về chuyển biến tâm lý của mình.
Dù đã ra mắt và được đánh giá diễn xuất ổn ở Hoa Hậu Giang Hồ, Bố Già,... nhưng Người Tình mới chính là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Minh Tú. Chính vì vậy mà diễn xuất của cô trong phim gây nhiều khó hiểu, mạch cảm xúc lúc được, lúc đơ. Thêm nữa, phim có đường dây thoại khá chậm, ngắt nhịp chưa tốt và đài từ nhân vật không ổn định. Điều này khiến cho nhiều thông điệp mà bộ phim gửi gắm về số phận, tình yêu và con người bị ảnh hưởng rất nhiều.
Tóm lại, Người Tình là một tác phẩm khó mà cảm nhận giữa hàng loạt đề tài đa dạng trên thị trường phim trong và ngoài nước. Có lẽ, việc mạo hiểm theo đuổi ý đồ nghệ thuật, khuấy sâu vào góc tối xã hội nhưng chưa theo kịp thời đại sẽ dễ dàng khiến phim đi vào ý niệm lỗi thời, lạc hậu của khán giả. Phải nói, con đường mà đội ngũ sản xuất Người Tình chọn không dễ dàng và bằng phẳng tí nào.
Phim sẽ được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc vào 18.02 sắp tới.
Thanh Trúc