Dù có ý tưởng khá tốt và đầu tư mời diễn viên nước ngoài nhưng “Kẻ thứ ba” của Lý Nhã Kỳ vẫn còn khá ‘non’ so với những tác phẩm điện ảnh trong nước.
Ngay từ khi tung trailer, “Kẻ thứ ba” (tên cũ “Thiên đường”) được khán giả biết tới như một bộ phim tình cảm nhẹ nhàng có sự kết hợp giữa đoàn phim Việt Nam và hỗ trợ từ ê-kíp Hàn Quốc. Bộ phim kể về câu chuyện tình yêu giữa một nữ bác sĩ giỏi giang, dịu dàng tên Thiên Di (do Lý Nhã Kỳ đảm nhận). Cô có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm với người yêu – chàng hoạ sĩ tài hoa Quang Kha và một đứa con trai kháu khỉnh tên gọi Simba. Những tưởng niềm vui sẽ kéo dài mãi mãi cho đến một ngày Thiên Di bất ngờ gặp tai nạn giao thông và ra đi vĩnh viễn để lại nỗi đau khó nguôi ngoai trong lòng Quang Kha.
Cả bộ phim là hành trình Quang Kha đi tìm lại Thiên Di – tình yêu và cũng là định nghĩa “thiên đường” trong trái tim anh thông qua lỗ hỏng thời gian. Trong chặng đường đó, Quang Kha gặp gỡ Kelly (do Kim Tuyến thủ vai) và dần dần, những bí mật trong góc tối đã lộ diện, đặt các nhân vật vào tình thế phải đối mặt với những sự lựa chọn khắc nghiệt nhất.
Ý tưởng hay nhưng chưa tới
Trước tiên, xin dành tặng lời khen cho ý tưởng câu chuyện của “Kẻ thứ ba”. Mặc dù gắn mác là phim tình cảm nhẹ nhàng nhưng tác phẩm của Lý Nhã Kỳ lại không đi theo lối mòn mà những bộ phim khác đã có. Không phải câu chuyện tình yêu lâm li bi đát hay hành trình theo đuổi khó khăn trắc trở, “Kẻ thứ ba” mở ra khi mối tình của 2 nhân vật chính đã “muồi” hoàn toàn. Họ có một hôn nhân, một gia đình cùng rất nhiều lời hứa hẹn tưởng chừng như đẹp nhất.
Điểm nhấn của mạch phim có lẽ là chi tiết quay ngược thời gian. Điều này cũng từng được đoàn phim “nhá hàng” trước đó trong trailer và lời dẫn. Rằng sau khi Quang Kha đánh mất Thiên Di trong một vụ tai nạn bất ngờ, anh chàng đã vô tình nhận được sự giúp đỡ của Kelly - một người xa lạ sống trong thế giới song song ở quá khứ. Nhờ vậy mà Quang Kha mới có thể tìm cách để ngăn cản sự việc đau lòng xảy ra.
Đây không phải lần đầu tiên một bộ phim điện ảnh khai thác mấu chốt ở tuyến thời gian. Trước đó, “Người bất tử” của đạo diễn Victor Vũ cũng tạo ấn tưởng với chi tiết thời gian kéo dài luân chuyển từ đời này sang đời khác. Hay như “Muốn gặp em” của Đài Loan và “Your Name” của Nhật Bản cũng từng đề cập đến việc thời gian tồn tại song song nhiều chiều.
Dù có ý tưởng tốt nhưng kịch bản lại rời rạc, sơ sài. Đây cũng là hạn chế của đoàn phim nói riêng và một số sản phẩm phim ảnh Việt Nam gần đây nói chung. Việc đan xen giữa tuyến thời gian quá khứ - hiện tại nhưng không được lồng ghép khéo léo cũng khiến người xem cảm thấy đau đầu, quay cuồng với nhân vật. Giá như biên kịch không quá tham lam, ôm đồm quá nhiều thứ thì có lẽ bộ phim sẽ không khiến khán giả hoang mang, ngơ ngác khi ra khỏi rạp.
Góc máy hiện đại, cảnh quay ở Đà Lạt đẹp như mơ
Điểm cộng dành cho “Kẻ thứ ba” nằm ở khâu sản xuất và quay dựng. Có thể nói những phân đoạn đặt góc máy từ trên cao để lấy toàn cảnh khiến khung cảnh Đà Lạt càng thêm lung linh, thơ mộng. Nét đặc trưng của thành phố ngàn hoa như rừng thông, nhà hàng nằm giữa đồi, những con dốc đứng hay mặt hồ trong xanh đều được bộ phim tái hiện vô cùng rõ nét. Nếu bạn là một tín đồ mê Đà Lạt thì hẳn hiệu ứng thị giác của bộ phim sẽ không khiến bạn phải thất vọng.
Bên cạnh đó, người xem có thể nhận ra một số góc quay trong phim mang màu sắc của những tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc. Điều này dễ dàng lý giải được nguyên nhân do đạo diễn của “Kẻ thứ ba” là Park Hee Jun – vị đạo diễn kỳ cựu của làng phim xứ sở củ sâm. Một số tác phẩm từng được thực hiện dưới bàn tay ông như “Dream of a Warrior” (2001), “Birth of a Man” (2022), “Mandate” (2008), “Brothers in Heaven” (2018).
Diễn xuất của Han Jae Suk là điểm sáng nhưng phần lồng tiếng cần phải xem lại
Như đã nói ngay từ ban đầu, “Kẻ thứ ba” không có một lực lượng hùng hậu đủ để bảo chứng chất lượng diễn xuất. Nhưng cái ‘ăn điểm’ của phim chính là mời được nam tài tử Han Jae Suk góp mặt trong dự án lần này. Cách diễn qua ánh mắt làm hiện rõ nội tâm nhân vật của anh chính là điều an ủi khán giả suốt hơn 60 phút ngồi trong rạp.
Ngoài ra, ‘phản ứng hoá học’ giữa Han Jae Suk và bạn diễn Kim Tuyến cũng bùng nổ hơn so với kỳ vọng. Trái với 2 người bạn diễn của mình thì nhân vật của Lý Nhã Kỳ có vẻ ít ‘đất’ thể hiện hơn. Cô chỉ xuất hiện trong những cảnh khi Quang Kha nhớ lại kỷ niệm cùng vợ và cao trào vén màn bí mật ẩn sau mọi chuyện. Diễn xuất của Lý Nhã Kỳ cũng không được đánh giá cao, điều này cô đã tự thừa nhận trong những cuộc phỏng vấn trước đó.
Về điểm trừ, “Kẻ thứ ba” mắc lỗi mà hầu như những bộ phim nào có diễn viên nước ngoài cũng đều phạm phải. Đó chính là khâu kỹ thuật lồng tiếng. Trong phim, nam tài tử “Giày thuỷ tinh” vẫn nói ngôn ngữ Hàn Quốc. Sau khi ghi hình xong thì xử lý lồng tiếng cho nhân vật nhưng có quá nhiều chỗ lời thoại của Han Jae Suk không khớp với khẩu hình miệng. Thậm chí, một số phân đoạn nhân vật chính không mở miệng mà vẫn có tiếng nói chuyện phát ra khiến người xem chả hiểu đầu cua tai nheo gì!
Và còn một điểm lấn cấn nằm ở thông điệp khi kết phim. Không thể phủ nhận “Kẻ thứ ba” muốn truyền tải quan niệm cao thượng về hạnh phúc, tuy nhiên nó lại quá ảo, không sát với thực tế. Dường như biên kịch đang ‘tô hồng’ cuộc sống khiến đoạn kết trở nên uỷ mị, dài hơi gây ngán ngẩm. Rồi thì đoàn phim có quên điều gì không? Một cảnh kết màn dành cho nhân vật của Kim Tuyến, Xuân Nghị, Trứng Ngỗng... cũng không cánh mà bay?!
“Kẻ thứ ba” sẽ được chính thức khởi chiếu vào ngày 13/5 tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Ảnh: Tổng hợp