Cuộc thi làm phim “Việt Nam của tôi” được thực hiện bởi Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế Sáng tạo Việt Nam của Netflix mới đây đã có buổi gặp gỡ các nhà làm phim của 9 dự án xuất sắc nhất bước ra từ cuộc thi.
Để cùng nhìn lại chặng đường đầy ấn tượng với những dự án điện ảnh chất lượng của các nhà làm phim trẻ, ngày 02/07 vừa qua, BTC dự án cuộc thi “Việt Nam của tôi” đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa đạo diễn các tác phẩm tham gia dự thi cùng các nhà làm phim, những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam nói chung đã có buổi gặp gỡ với nhiều cảm xúc đặc biệt khó quên.
Trước đó, cuộc thi làm phim ngắn “Việt Nam của tôi” đã khép lại mỹ mãn với việc tìm ra top 9 dự án xuất sắc nhất. Mỗi bộ phim với chủ đề khác nhau, cách thể hiện và màu sắc cũng vô cùng khác biệt nhưng tất cả đều cùng cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của điện ảnh nước nhà với sức sáng tạo và niềm đam mê của những người làm điện ảnh.
Các nhà làm phim chia sẻ cảm xúc sau khi xem lại thành quả của mình.
Bên cạnh 3 bộ phim giành 3 giải thưởng cao nhất trong cuộc thi là “Khu rừng của Páo” (hạng nhất), “Vẹt con” (hạng nhì) và “Đứng giữa lằn ranh” (hạng ba) thì 6 bộ phim còn lại cũng chạm đến trái tim người xem vì những thông điệp điện ảnh lẫn nhân văn vô cùng ý nghĩa.
Đây là dịp để mọi người cùng gặp gỡ, giao lưu để thấy rằng “Việt Nam của tôi” không chỉ là một cuộc thi mà còn là một khởi đầu để mở ra cho các nhà làm phim trẻ nhiều cơ hội hơn nữa để thể hiện bản thân mình cũng như cơ hội để tiếp cận, kết nối, lan tỏa niềm đam mê điện ảnh. Mặt khác, trong không gian của buổi gặp gỡ, các nhà làm phim cũng được ngồi lại và cùng thưởng thức các tác phẩm xuất sắc nhất bước ra từ “Việt Nam của tôi”.
Các khách mời hào hứng chia sẻ cảm xúc sau khi thưởng thức các bộ phim trong cuộc thi "Việt Nam của tôi".
Đó là câu chuyện bi kịch khiến người ta giật mình về những áp lực, gánh nặng của người phụ nữ trong “Dưới lòng đại dương” (đạo diễn Quản Phương Thanh), câu chuyện về nạn tảo hôn trong “Khu rừng của Páo” (đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt) hay câu chuyện về những mà người khuyết tật phải đối mặt trong “Ăn ốc nói... bò” (đạo diễn Đỗ Thu Hiền)... tất cả đều khiến người xem rung cảm không chỉ vì những khung cảnh Việt Nam gần gũi mà còn vì các bộ phim đều thể hiện sự tinh tế trong việc khám phá về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam với những góc nhìn chân thực, mới mẻ nhưng cũng đầy tính nhân văn đúng với tinh thần “Việt Nam của tôi”.
Đại diện của các dự án trong top 9 xuất sắc nhất ở cuộc thi chia sẻ về bộ phim của mình.
Mặt khác, với đặc trưng của thể loại phim ngắn là giới hạn về thời lượng, những câu chuyện trong 9 bộ phim cũng đầy tính ẩn dụ và những chi tiết mang tính biểu tượng. Điều này đòi hỏi người xem phải tập trung theo dõi và đôi khi sẽ còn những câu hỏi bỏ ngỏ nhưng chính điều đó sẽ tạo nên giá trị “tái thưởng thức” cho các tác phẩm.
Để đạt được thành quả đó, các ekip cũng đã trải qua nhiều thách thức, khó khăn nhưng cùng với đó cũng là những kỷ niệm rất đáng nhớ khi đưa đứa con tinh thần của mình thành hình, nên dạng. Bảo Chu - đạo diễn phim “Miệng đời” chia sẻ: “Việc ‘bể’ địa điểm là một trong những khó khăn lớn nhất, ví dụ cảnh quay ở một địa điểm mà ekip chỉ có 3 tiếng để thực hiện thì khi đến nơi, ban quản lý của địa điểm đó lại không cho chúng tôi vào dù trước đó đã có liên hệ. Trong lúc tưởng như hoàn toàn bất lực thì may mắn là chúng tôi có thể quay lại vào ngày hôm sau để thực hiện cảnh quay”.
Đạo diễn Bảo Chu của phim "Miệng đời" chia sẻ về tác phẩm của mình.
Trong khi đó, dù cũng gặp một số khó khăn nhưng điều mà Nguyễn Trần Ái Nhi - đạo diễn phim “Vẹt con” nhớ nhất sau hành trình tại “Việt Nam của tôi” là sự gắn kết và giao lưu văn hóa giữa những người bạn người Việt và người Đức trong ekip. Ái Nhi hài hước tiết lộ: “Những khi ăn sáng cùng nhau, các bạn người Đức chỉ ăn bánh mì trong khi người Việt chúng mình nấu nhiều món hơn, rang cơm với thịt kho. Các bạn ấy ban đầu tỏ ra khó hiểu nhưng sau khi thử các món ăn Việt thì rất thích thú. Những bữa ăn đơn giản như thế nhưng đã giúp chúng mình gắn kết hơn rất nhiều trong quá trình làm việc cùng nhau”.
Ái Nhi - đạo diễn của dự án "Vẹt con" chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi bộ phim được quay hình tại Đức.
Bà Amy Sawitta Lefevre, đại diện ban tổ chức cho biết, thông qua cuộc thi phim ngắn và Sáng kiến Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế sáng tạo Việt Nam, đơn vị mong hỗ trợ được những nhà làm phim trẻ thực hiện ước mơ với điện ảnh. Những sự khám phá mới và gắn kết văn hóa nói trên cùng với những thước phim chất lượng, góc nhìn mới lạ từ các nhân tố tài năng tại Việt Nam chính là điều bà và những người thực hiện cuộc thi mong muốn nhìn thấy nhất trong các tác phẩm.
Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế Sáng tạo Việt Nam do Netflix sáng lập được xem là chìa khóa mở ra cơ hội cho nhiều nhà làm phim trẻ nói riêng và tất cả các nhà làm phim tại Việt Nam có niềm đam mê dành cho điện ảnh nói chung. Và “Việt Nam của tôi” ra đời là cuộc thi nơi mọi nhà làm phim đều có cơ hội trình bày và thực hiện tác phẩm mà mình ấp ủ, kể câu chuyện điện ảnh của riêng mình.