Thời gian gần đây, thị trường âm nhạc Việt Nam liên tục bùng nổ với những màn kết hợp ấn tượng giữa những ca nhạc sĩ trẻ với các nghệ sĩ gạo cội, mang đến một màu sắc mới vô cùng đặc biệt cho nền âm nhạc Việt Nam.
Không dừng lại ở sự đơn thuần là những sản phẩm âm nhạc độc đáo, những giai điệu bắt tai. Các tác phẩm âm nhạc kết hợp giữa hai thế hệ còn mang trên mình những thông điệp vô cùng ý nghĩa, những câu chuyện cá nhân mang đầy tâm tư của các nghệ sĩ.
Chất trẻ hoà cùng tinh thần đoàn kết dân tộc
MV vừa ra mắt gần đây - “Đi trong mùa hè” là sự kết hợp đầy thú vị giữa rapper Đen Vâu và NS Trần Tiến. MV này ra mắt đúng dịp bóng đá Việt Nam đang hướng về mục tiêu bảo toàn ngôi vô địch tại SEA Games 31.
“Đi trong mùa hè” tái hiện khoảnh khắc “đi bão” ăn mừng chiến thắng của người hâm mộ bóng đá Việt Nam bằng những cảnh quay hoành tráng, kể nên câu chuyện về tình yêu bóng đá của người dân qua nhiều góc nhìn gần gũi, thú vị. Ngoài sự góp mặt đặc biệt của NS Trần Tiến, MV còn có sự góp mặt của các cầu thủ Duy Mạnh, Văn Hậu, Quế Ngọc Hải. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần dân tộc mạnh mẽ, truyền tải ước mơ về một chiến thắng vinh quang.
Cần phải nhắc đến ca khúc cổ động quen thuộc - “Tôi yêu bóng đá” của NS Trần Tiến. Ca khúc nằm lòng đối với thế hệ 8x, 9x và luôn vang lên trên các khán đài mỗi trận bóng có tuyển Việt Nam, kể từ SEA Games 20 năm 1999. Đến hiện tại, SEA Games 31 đang được diễn ra tại Việt Nam thì sự kết hợp của nhạc sĩ này và Đen Vâu lại tạo ra cho người hâm mộ bóng đá nước nhà một giai điệu cổ vũ mới vừa hiện đại, mang đậm chất trẻ và tinh thần tự hào thể thao. Tiếng huýt sáo quen thuộc của NS Trần Tiến trên nền rap melody cùng chất giọng của Đen Vâu đã mang đến hơi thở mới mẻ cho ca khúc này.
Sau khi chiến thắng căn bệnh ung thư, sự kết hợp lần này của NS Trần Tiến và Đen Vâu không chỉ đơn thuần là kết hợp giữa hai thế hệ, mà còn là sự trân trọng của lớp nghệ sĩ trẻ đối thế hệ nghệ sĩ đi trước. Đây là minh chứng cho thấy âm nhạc không có khoảng cách và tinh thần đoàn kết dân tộc trong thể thao cũng thế. Dù ở thế hệ nào, thì chúng ta luôn là những người hâm mộ Việt Nam mang trong mình tình yêu bóng đá, tinh thần đoàn kết, cùng niềm khát khao hướng đến vinh quang chiến thắng.
Hơi thở hiện đại nhưng đậm bản sắc truyền thống
Một sự kết hợp đáng chú ý khác của 2 thế hệ trong âm nhạc Việt Nam gần đây là màn kết hợp giữa NSND Bạch Tuyết cùng với ca sĩ Hoàng Dũng và nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền trong ca khúc “Về nghe mẹ ru”.
“Về nghe mẹ ru” được tạo nên từ màn kết hợp giữa nhạc Rap, R&B và cải lương. Ca khúc phản ánh câu chuyện của giới trẻ hiện đại với khát khao được khẳng định mình, được chinh phục những thành công. Nhưng họ cũng cảm thấy bất an mỗi khi đối diện với khó khăn, thách thức. Khi đó, tiếng lòng của những người con luôn muốn trở về mái nhà, nơi có mẹ hằng mong ngóng.
Nỗi lòng đó của giới trẻ hiện đại đã được trực tiếp lột tả qua giọng ca của ca sĩ Hoàng Dũng cùng với chất nhạc Rap và R&B bắt tai. Còn với cải lương, tiếng hát của NSND Bạch Tuyết trên nền điệu “Lý con sáo” quen thuộc đã thực sự làm lay động trái tim người nghe, thể hiện da diết nỗi lòng của một người mẹ mong con. Thông điệp ý nghĩa của ca khúc dễ dàng chạm đến trái tim người nghe và thuyết phục thế hệ khán giả trẻ khi được thể hiện qua sự kết hợp giữa hai thế hệ nghệ sĩ và hai thể loại âm nhạc: Rap - thể loại âm nhạc được giới trẻ yêu thích và Cải lương - loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
“Về nghe mẹ ru” thực sự đã thổi làn gió mới vào thị trường âm nhạc Việt Nam. Hơn hết, thông qua những thành công của sản có thể chứng minh rằng, âm nhạc truyền thống vẫn đủ sức hấp dẫn thế hệ khán giả trẻ nếu có những sáng tạo phù hợp, qua đó kích thích họ quay trở lại tìm hiểu nghệ thuật truyền thống. “Tôi hạnh phúc với thành công của sản phẩm này, nhất là khi tác phẩm liên quan đến văn hóa dân tộc. Nhiều người cho rằng giới trẻ quay lưng với cải lương. Tôi không nghĩ vậy. Khi MV này ra đời, tôi tin chắc suy nghĩ trước nay của mình là đúng” - NSND Bạch Tuyết chia sẻ.
Góc nhìn mới mẻ mang đậm tính nhân văn
Cuối cùng là một sự kết hợp nhẹ nhàng, chứa đầy chất tự sự trong “Một ngày tôi quên hết” giữa nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền và mẹ con danh ca Cẩm Vân. Đằng sau những thành công cá nhân với những bản hit đình đám cùng với các ca sĩ, không thể không nhắc đến một Hứa Kim Tuyền sâu lắng trong những sáng tác đặc biệt dành riêng cho bản thân, cho cộng đồng.
“Một ngày tôi quên hết” không nói về căn bệnh Alzheimer hay tuyên truyền về nó mà ca khúc nói về tâm tư, tình cảm của những người bị bệnh. Dù đây là câu chuyện của riêng họ nhưng qua ca khúc Hứa Kim Tuyền đã nói lên vấn đề rộng hơn rằng tình cảm rất giá trị trong cuộc sống, nó vượt lên thể xác, tinh thần và bệnh tật. Tình cảm tạo nên niềm hy vọng sống, là tia sáng của người bệnh giữa tầng hầm tối tăm không lối thoát.
Góc nhìn mới mẻ của nam nhạc sĩ trẻ được gửi gắm trong ca khúc khi hoà cùng giọng ca sâu lắng của danh ca Cẩm Vân lại càng dễ dàng chạm đến cảm xúc khán giả. Độ tuổi “nhớ nhớ quên quên” của danh ca Cẩm Vân cùng với kinh nghiệm và sự từng trải nhưng vẫn hồn nhiên đón nhận mọi thứ của cô đã vô tình tạo nên màn kết hợp đúng với tinh thần, ý tưởng của ca khúc.
Những màn giao thoa của hai thế hệ đang dần trở thành xu hướng phát triển mới của nền âm nhạc Việt Nam hiện tại. Sự kết hợp đầy bất ngờ của các thế hệ nghệ sĩ càng tạo thêm sự phong phú và đa dạng cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Hy vọng thị trường V-Pop sắp tới đây sẽ tiếp tục được chào đón những tác phẩm mới, những màn kết hợp độc đáo giữa các thể loại âm nhạc và những cú chạm đầy thú vị hơn nữa giữa các thế hệ nghệ sĩ.
Quốc Vinh
Ảnh: tổng hợp