Ca khúc "Thành Phố Buồn" được đón nhận nhiều đến nỗi tiền bản quyền đủ để cố nhạc sĩ Lam Phương mua một căn nhà ở TP.HCM vào đầu thập niên 1970.
Nhắc đến những ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Lam Phương, không thể không kể đến nhạc phẩm Thành Phố Buồn, gắn liền với giọng hát của Chế Linh, Trường Vũ. Ca khúc ra đời khi ông lên Đà Lạt vào năm 1970. Trước khung cảnh phố núi phủ mờ sương khói, người nghệ sĩ tức cảnh sinh tình mà viết nên những ca từ đẹp nhưng chất đầy nỗi buồn về đôi tình nhân không đến được với nhau. Thành Phố Buồn nhanh chóng trở thành bài hát được thịnh hành nhất ở miền Nam lúc bấy giờ và đưa Lam Phương trở thành tên tuổi quen thuộc với biết bao thế hệ khán giả yêu nhạc.
Theo chia sẻ của anh Lâm Minh Sĩ Vũ (cháu ruột gọi Lam Phương bằng cậu), tiền bản quyền của ca khúc nổi tiếng này đủ để nhạc sĩ tài hoa mua một ngôi nhà ở Nguyễn Lâm (Quận 10). Cho đến nay, căn nhà này vẫn là nơi anh Vũ cùng gia đình sinh sống. “Cậu vốn rất thương bà ngoại và trước đó có mua một căn nhà ở cư xá Lữ Gia để cả nhà ở. Tuy nhiên sau đó cậu lập gia đình và có hai con gái thì nhà đông người quá. Nhờ bài Thành Phố Buồn mà cậu đã mua được một căn nhà ở đường Nguyễn Lâm, Quận 10”, cháu ruột Lam Phương tiết lộ.
Anh Vũ cũng tiết lộ ngay khi mới ra mắt, Thành Phố Buồn được đón nhận nồng nhiệt, số lượng phát hành rất cao và doanh thu vô cùng lớn. Báo chí Sài Gòn thời đó tính toán được tiền bản quyền khoảng 12 triệu đồng, lúc ấy tương đương với 432.000 USD - một con số thực sự choáng ngợp với một ca khúc ở thời điểm những năm 1970. Mặc dù bài hát nổi tiếng này đem lại nhiều danh tiếng lẫn tiền bạc cho Lam Phương song cháu ruột của cố nhạc sĩ phủ nhận đây là nhạc phẩm ông yêu thích nhất. Anh chia sẻ: “Nếu nói yêu thích thì bài nào cậu tôi cũng yêu thích hết bởi với cậu, mỗi sáng tác là một đứa con tinh thần. Mà đã là con thì đứa nào cậu cũng yêu thương, trân trọng, chỉ có điều ‘đứa con’ này may mắn được nhiều người đón nhận hơn thôi”.
Cháu của nhạc sĩ tâm sự: “Vì cậu xem những bài hát của mình như những đứa con tinh thần nên cậu không quên một ca từ nào, không quên một cảm xúc nào gắn liền với từng bài hát. Tôi nhớ như in trong lần qua Mỹ thăm cậu và thắc mắc tại sao trong nhạc phẩm Thành Phố Buồn lại có câu: ‘Chiều đan tay nghe nắng chan hòa’, cậu chia sẻ ‘chiều đan tay’ là chỉ cặp tình nhân yêu nhau say đắm, tay của họ nắm chặt đến nỗi ánh nắng cũng không thể xuyên qua được mà chỉ có thể ‘nghe’, cảm nhận được ánh nắng chan hòa. Chỉ một câu hát thôi mà đã thể thấy được cái hay, cái sâu sắc mà người sáng tác đặt vào trong đó”.
Thành Phố Buồn không có ca từ nào chỉ đích danh Đà Lạt song người nghe vẫn cảm nhận được khung cảnh thơ mộng, lãng đãng giữa sương mờ của phố núi qua những lời ca trữ tình. Theo lời kể của anh Vũ, năm 2018, anh cùng với đại diện phía Bến Thành Audio Video sang Mỹ thăm nhạc sĩ Lam Phương. Nhân dịp này, anh Vũ Hoàng - nguyên Giám đốc Trung Tâm Văn Hóa Đà Lạt có gởi nhạc bản gốc bài Thành Phố Buồn từ viện bảo tàng nhờ đưa sang cho nhạc sĩ ký. “Lần đó, cậu Lam Phương đã đặt bút ký lên trang bìa với nội dung: ‘Nhạc sĩ Lam Phương thương tặng Đà Lạt’. Cậu cố gắng viết mấy chữ ấy bằng tay trái vì tay phải đã liệt rồi, sau đó cậu ký tên và đóng dấu cẩn thận”, cháu ruột của cố nhạc sĩ nhớ lại.
Theo lời anh Vũ, nhạc Lam Phương coi cây đàn guitar mà mình viết nên bài Thành Phố Buồn cùng nhiều ca khúc nổi tiếng khác như một báu vật. Năm 2019, khi sang Mỹ thăm Lam Phương, anh đã mang kỷ vật vô giá này sang cho cậu. “Cây đàn đó cậu mua từ năm 1952, từ cây đàn ấy, cậu viết nhiều bài hát nổi tiếng: Thành Phố Buồn, Tình Bơ Vơ, Thu Sầu… Cậu thấy cây đàn mà người run hết vì bồi hồi”, anh kể.
Ca khúc Thành Phố Buồn không chỉ mang lại thành công lớn cho Lam Phương mà còn cho những nam ca sĩ trình bày bài hát này. Một thời gian dài, chất giọng trầm buồn của Chế Linh, Trường Vũ... khiến khán giả thổn thức. Tuy nhiên trong đêm nhạc Ngày Hạnh Phúc sắp tới để tưởng niệm nhạc sĩ Lam Phương, diễn ra vào ngày 26.11 tại Nhà hát Hòa Bình, một nữ ca sĩ sẽ đảm nhận chính là Lệ Quyên. Cô trình bày Trăm Nhớ Ngàn Thương, Một Mình, Kiếp Nghèo và đặc biệt là bài Thành Phố Buồn. Khi được hỏi có áp lực khi trình diễn nhạc phẩm có nhiều đàn anh thể hiện thành công, Lệ Quyên tâm sự: "Tôi không có áp lực gì đâu bởi vì mỗi người sẽ thể hiện khác nhau tùy vào cách hát, cách rung cảm của mình. Đã có nhiều nữ ca sĩ hát rất hay, tôi chỉ là thế hệ sau hát bài này thôi. Tôi không có bất kỳ áp lực nào không phải vì mình là ai, mình hát như nào mà vì tôi yêu mỗi ca khúc mình thể hiện, tôi đặt trọn trái tim vào nó, say đắm với nó thì bài nào cũng tràn đầy cảm xúc".
Nói về nhạc sĩ Lam Phương, Lệ Quyên chia sẻ: "Tôi có một kỷ niệm đẹp khi đến thăm chú tại nhà ở Cali cách đây vài năm. Dù chú bệnh nhiều năm nhưng vẻ ngoài của chú toát ra tinh thần yêu đời, lạc quan tuyệt vời. Chú ngồi xe lăn nhưng trông chú đẹp, phong độ lắm, nụ cười hiền và tươi, không như dáng vẻ người bệnh lâu năm. Tôi rất ấn tượng về điều đó. Khi thực hiện album nhạc Lam Phương, tôi cũng qua thăm, xin phép chú , và được chú ủng hộ".
Ngoài Lệ Quyên, đêm nhạc Ngày Hạnh Phúc còn có sự tham gia của nhiều danh ca mà sự nghiệp âm nhạc gắn bó với nhạc sĩ Lam Phương như Thái Châu, Họa Mi, Ngọc Ánh, Ngọc Sơn... MC Vũ Mạnh Cường dẫn dắt sự kiện. Chương trình diễn ra vào lúc 20 giờ tối ngày 26/11/2022 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) do Công ty CP Bình Minh Media cùng với Bến Thành Audio Video tổ chức.