Sau mỗi kỳ nghỉ lễ trở lại TP.HCM, nhiều người rơi vào cảnh bị "kẹp cổ" khi các tài xế trong sân bay Tân Sơn Nhất hét giá gấp 3 - 4 lần ngày thường.
Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn
Kết thúc mỗi dịp lễ Tết, người dân lại đổ xô về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để bắt đầu công việc hoặc đi du lịch, tình trạng này khiến sân bay luôn đông kín. Điển hình, theo ghi nhận của phóng viên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, tại ga quốc nội, từ khu nhà ga đến bãi xe đều trong tình trạng quá tải, hành khách xếp hàng dài để lấy hàng kí gửi, đợi xe.
Mặc dù nhân viên sân bay, lực lượng an ninh được tăng cường ở mức cao nhất có thể nhưng tình trạng ùn tắc kẹt xe vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt vào giờ cao điểm. Việc bắt xe ở sân bay để về nhà thời điểm này là điều không hề dễ dàng đối với các hành khách.
Khu vực sảnh đợi xe ô tô là điểm nóng, luôn trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông vì lượng phương tiện không đủ để đáp ứng nhu cầu hành khách. Tình trạng tài xế tranh giành khách, khách tranh giành xe cũng khiến kẹt xe thêm nghiêm trọng hơn.
Quay trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, gia đình anh Đức (gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ) trong trạng thái mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại khi vừa thoát khỏi khu vực lấy hành lý để ra khu vực chờ bắt taxi.
"Mỗi lần sau nghỉ Tết trở lại sân bay Tân Sơn Nhất là bấy nhiêu lần gia đình tôi vật vã thoát khỏi tình trạng kẹt cứng, đợi xe cả tiếng đồng hồ. Năm nay cũng vậy, thậm chí còn nghiêm trọng hơn mọi năm. Tôi đợi xe gần 1 tiếng rồi mà vẫn không có xe dù gia đình đã chấp nhận đi bằng mọi giá”, anh Đức than thở.
Thảm hơn, anh Phạm Thanh Bình (29 tuổi, quê Quảng Bình) phải chờ từ 18 giờ đến 23 giờ cùng ngày mới có xe để về nhà. Trong khoảng thời gian đó, anh Bình cùng người thân phải liên tục đứng gọi xe, cả xe taxi lẫn xe công nghệ nhưng bất lực.
“Người lớn như tôi thì còn gắng gượng đợi được, nhưng còn người già và trẻ em thì rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khoẻ vô cùng. Đây không khác gì cực hình đối với người dân", anh Bình chia sẻ.
Với chị Quỳnh Như, do đợi xe quá lâu, chị đành phải dùng hết sức lực kéo hành lý ra khỏi cổng sân bay trên đường Trường Sơn để đặt xe nhưng cũng phải mất tới nửa tiếng mới có phương tiện.
"Tại khu vực phía ngoài sân bay tập trung rất đông xe công nghệ, nhưng không hiểu tại sao khi tôi mở ứng dụng gọi xe thì các tài xế không ai nhận cuốc", chị Như chia sẻ.
Tài xế thoải mái hét giá “cắt cổ”
Nắm bắt được lượng khách ồ ạt đổ về ga tàu, bến xe, sân bay sau dịp Tết, nhiều hãng xe coi đây là cơ hội tăng nguồn thu nên luôn điều động xe với số lượng nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, lượng xe vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của hành khách trong thời điểm giờ cao điểm.
Bên trong sân bay Tân Sơn Nhất, dòng xe vẫn tắc nghẽn, nối hàng dài nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Việc tắc nghẽn xe ở khu vực sân bay một phần cũng do các tài xế hét giá trên trời (gấp 3 - 4 lần ngày thường) nên nhiều người vẫn kiên trì chờ xe có mức giá thấp hơn.
Trong vai hành khách, chúng tôi mở ứng dụng để gọi xe, nhưng sau 20 phút vẫn không tài xế nào nhận cuốc xe. Không đặt được xe qua ứng dụng, chúng tôi vẫy tay gọi xe tại sân bay để về Gigamall Thủ Đức.
Một số người nhận là tài xế GrabCar báo giá cước chuyến đi với nhiều mức giá khác nhau từ 250 - 350 nghìn đồng (khoảng 6km) nhưng không đặt qua ứng dụng Grab. Qua ứng dụng Grab, chúng tôi kiểm tra giá cước chuyến đi trên chỉ có hơn 100 nghìn đồng.
Khi được hỏi lý do vì sao hành khách không thể đặt xe qua ứng dụng và giá cước cao như vậy, các tài xế đều cho biết do lượng khách tăng đột biến, trong khi đó lượng xe không đủ để đáp ứng nên không ai nhận cuốc qua app.
Còn về vấn đề giá cước tăng cao là do thời điểm Tết giá cước tăng là chuyện thường tình, một phần cũng do lệ phí ra vào sân bay tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường.
“Bình thường từ sân bay về nhà tôi chưa đến 5km với mức giá khoảng 100 nghìn đồng, mà giờ các tài xế hét giá đòi 250 nghìn đồng. Tôi sẽ không chấp nhận giá đó, tôi sẽ nhờ người nhà tới đón”, anh Phúc bức xúc.
Lý giải về tình trạng tài xế Grab nhận xe không qua app, “chặt chém” hành khách, đại diện hãng xe công nghệ Grab VN cho biết, trong thời gian sau Tết Nguyên đán người dân từ các tỉnh thành quay trở lại TP.HCM tăng đột biến “cầu vượt cung”, dẫn đến tình trạng quá tải, các tài xế không thể nhận cuốc xe của các hành khách.
Dù vậy, phía Grab VN khẳng định: “Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trên hệ thống Grab không có điều chỉnh về giá cước hay tăng thêm phí phụ thu cho khách hàng. Nếu có điều chỉnh về giá cước, thì bên Grab sẽ công bố trên Website của hãng, khách hàng có thể vào xem bảng giá cước của hệ thống Grab”.
Về vấn đề các tài xế tự ý tăng giá cước trong dịp Tết phía công ty cho biết sẽ kiểm tra, xem xét và trả lời báo chí sau.
Đối với các hãng xe công nghệ, để công ty quản lý, giám sát tài xế phải thông qua hệ thống app. Tuy nhiên, việc tài xế không nhận cuốc xe qua app, mà bắt khách ngang một cách bát nháo, hét giá “trên trời” khiến khách hàng bức xúc vì bị “ăn tiền trên đầu trên cổ”.
Trái ngược với hãng xe công nghệ, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết: “Có nhiều hãng xe công nghệ tăng giá cước gấp 2 - 3 lần vào những lúc này với lý do là cao điểm nên phụ thu, nhưng riêng hãng taxi chúng tôi, tài xế giữ nguyên giá cước, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách. Đối với các tài xế tự ý tăng giá, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc”.