24h
Yeah1 News

Từ năm 2024, người dân xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị phạt lên tới 500 triệu đồng

Thứ tư, 10/01/2024 | 20:16 (GMT+7)

Việc xây nhà trên đất nông nghiệp có thể khiến người dân bị phạt tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Đất nông nghiệp là loại đất được sử dụng cho nhiều mục đích như trồng trọt, chăn nuôi và trồng rừng. Loại đất này không chỉ phục vụ cho quá trình sản xuất mà còn là nền tảng không thể thay thế cho ngành nông - lâm nghiệp. Vậy người dân có thể xây nhà ở trên đất nông nghiệp được hay không? 

Thực tế, đất nông nghiệp không phải đất để người dân có thể ở. Vì vậy nên việc xây nhà trên đất nông nghiệp là hoàn toàn sai quy định và sẽ bị xử phạt nặng. Điều 6 của Luật Đất đai năm 2013 quy định khi sử dụng đất, người dân cần tuân thủ quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất chính xác.

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, việc sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích khác mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xem là vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Người vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp xử phạt tương ứng. 

Từ năm 2024, người dân xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị phạt lên tới 500 triệu đồng - ảnh 1

Mỗi loại đất sẽ có mục đích sử dụng khác nhau

Mỗi loại đất khác nhau, người sử dụng đất sẽ có nghĩa vụ riêng biệt, tuy nhiên nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là sử dụng đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy hoạch và kế hoạch mà cơ quan Nhà nước đã phê duyệt.

Điều 9, 10, 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định rõ khi sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp mà không chuyển mục đích sử dụng đất thì bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Từ năm 2024, người dân xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị phạt lên tới 500 triệu đồng - ảnh 2

Việc xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị phạt nặng

Mức xử phạt khi sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép cũng được quy định tại điều 9 Nghị định này. Cụ thể như sau:

+ Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

+ Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai (02) lần mức phạt quy định tại khoản 3 Điều này.

Thêm vào đó, đối tượng vi phạm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...

Từ năm 2024, người dân xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị phạt lên tới 500 triệu đồng - ảnh 3

Đặc biệt, theo Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt với hành vi sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả.

Nếu muốn xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, trước hết người dân phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Người dân cần chuẩn bị hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền để được xét duyệt, thực hiện các trách nhiệm tài chính liên quan sau đó mới được phép xây dựng nhà ở.

Từ năm 2024, người dân xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị phạt lên tới 500 triệu đồng - ảnh 4

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, đất thổ cư bắt buộc cần có sự thông qua, cho phép thể hiện bằng quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền..

Trong đó, Uỷ ban nhân dân cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) sẽ có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp theo trình tự, thủ tục do luật định.

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news
Từ khóa: sử dụng đất   đời sống  

Cùng chuyên mục