Việc bỏ thông tin quê quán và thay bằng nơi đăng ký khai sinh trên thẻ căn cước sẽ mang lại tính ổn định cao và chính xác.
Vào sáng ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước với sự tán thành của 431/468 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết. Trong đó nổi bật nhất là việc bỏ thông tin quê quán và dấu vân tay trên thẻ căn cước, chỉ lưu trữ chúng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, thẻ căn cước công dân cũng được đổi tên thành thẻ căn cước.
Được biết, Luật Căn cước nêu rõ những trường thông tin thay đổi được thể hiện trên thẻ căn cước, bao gồm: ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng. Như vậy, những thông tin như ADN, giọng nói; nghề nghiệp hay mống mắt đều sẽ được tích hợp trong cơ sở dữ liệu.
Nếu so với Luật Căn cước công dân năm 2024, những thông tin như quê quán hay dấu vân tay dự kiến sẽ được lược bỏ. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo Luật, việc lược bỏ thông tin quê quán là để đảm bảo sự riêng tư, hạn chế trường hợp phải cấp đổi thẻ cũng như gặp khó khăn trong quá trình xác thực thông tin. Về dấu vân tay, việc lược bỏ này mang ý nghĩa bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ cho người dân.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính (Bộ Công an) chia sẻ rằng việc sửa thông tin trên căn cước công dân gắn chip sẽ giúp người dân cảm thấy thuận lợi hơn. Thông tin quê quán sẽ thay bằng nơi đăng ký khai sinh, bởi lẽ nơi đăng ký khai sinh có tính ổn định cao và được xác thực với mỗi cá nhân.
"Có những người sinh ra ở Hà Nội thế nhưng quê bố mẹ, ông bà thì ở địa phương khác, thì quê quán ghi ở địa phương khác. Do đó, những thông tin này có thể gây khó khăn cho quá trình thu thập thông tin, tiến hành đối sánh để xác định một công dân nào đó", thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định Cơ sở dữ liệu căn cước sẽ chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Bộ Công an quản lý với mục đích quản lý căn cước, dân cư và đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách chặt chẽ.
Ngoài ra, theo điều 46 của Luật Căn cước quy định rõ thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày thi hành luật sẽ có hiệu lực về giá trị sử dụng đến hết thời hạn nêu trên thẻ. Trong trường hợp thẻ chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì chỉ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Thẻ căn cước công dân hay chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng trong khoảng thời gian từ 15/1/2024 đến trước 30/6/2024 thì có thể sử dụng được đến hết 30/6/2024. Luật Căn cước sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Ảnh: Tổng hợp