Sau khi trả lời phỏng vấn câu hỏi "muốn mức lương bao nhiêu", thanh niên đã không được nhận vào làm việc. Nhiều người chỉ ra cách trả lời của anh chưa đủ tinh tế.
Phỏng vấn tuyển dụng luôn là vấn đề thử thách nhiều người ứng tuyển. Dù làm công việc gì hay nộp đơn vào vị trí cao hay thấp, ứng cử viên đều trải qua nhiều vòng tuyển chọn, cuối cùng là đối mặt với người phỏng vấn để trả lời vài câu hỏi trước khi có kết quả. Một trong những câu hỏi được cho là "khoai" nhất tại các buổi phỏng vấn, đánh đố nhiều ứng cử viên liên quan đến vấn đề lương bổng.
Chuyện tiền lương luôn là vấn đề nhạy cảm đối với mọi người, nhất là trong công việc. Trao đổi tiền lương chỉ diễn ra giữa người tuyển dụng với ứng cử viên mà không thể và không nên tiết lộ cho người khác biết. Thông thường, trong mỗi buổi tuyển dụng, người tuyển dụng thường đặt ra câu hỏi cho ứng viên "Bạn muốn mức lương bao nhiêu?"
Đây có thể xem là cách người tuyển dụng kiểm tra tính cách và ứng xử của ứng cử viên trong công việc nhiều hơn là muốn tham khảo mức lương mà người này mong muốn.
Một thanh niên sống tại Trung Quốc tên gọi anh Vương từng tham gia một buổi phỏng vấn tại một công ty có tiếng đã phải gặp tình huống éo le khi nhận câu hỏi này. Anh chia sẻ, hầu như những câu hỏi về công việc, chuyên môn đều không làm khó được mình. Khi nhà tuyển dụng hỏi đến mức lương, anh lập tức bị rối và trả lời: "Mức lương sao cũng được, miễn là tôi có cơ hội làm việc sau này".
Sau khi trở về, anh Vương chờ đợi hai ngày nhưng vẫn không có hồi âm từ nhà tuyển dụng. Lúc này anh mới nhận ra mình đã đánh mất cơ hội.
Trên thực tế, anh Vương không phải trường hợp duy nhất rơi vào thế khó khi được hỏi về mức lương. Nhiều người cũng tỏ ra ậm ừ, chậm chạp hoặc bối rối không biết trả lời thế nào cho hợp lý. Nếu là một ứng viên thông minh, bạn không nên nói thẳng ra con số cụ thể, càng không nên trả lời có lệ như "sao cũng được".
Trước hết, cần phải tìm hiểu bản chất của câu hỏi. Những nhà tuyển dụng, người phỏng vấn cũng là nhân viên làm việc trong một công ty nên họ chịu trách nhiệm phải tuyển dụng được nhân sự phù hợp. Mức lương là một trong những yếu tố quyết định bạn có phải một nhân sự lý tưởng mà công ty đang cần hay không.
Thông qua câu trả lời về mức lương, người phỏng vấn có thể đánh giá một số vấn đề về ứng viên như ứng viên có đánh giá cao bản thân khi đòi mức lương "trên trời" hoặc ứng viên có tự ti về bản thân khi không dám nhắc đến lương thưởng. Cả hai trường hợp này đều không mang lại lợi ích cho ứng viên.
Để trả lời câu hỏi này hợp lý, trước hết đừng nói ra một con số cụ thể mà hãy so sánh mức lương kỳ vọng với mức lương thực tế để chọn ra con số trung bình. Ứng viên có thể xoay chuyển bằng cách đặt vấn đề: "Tôi đã tham khảo mức lương trên yêu cầu tuyển dụng của vị trí này dao động từ 9-12 triệu đồng/tháng. Anh/chị có thể chia sẻ cụ thể hơn với tôi được không?"
Sau đó là đặt ra một con số trung bình: "Ở công ty trước, mức lương của tôi là 11 triệu đồng. Lương trung bình của vị trí này trên thị trường khoảng 12 triệu đồng/tháng nên mức lương mà tôi kỳ vọng là 13-14 triệu đồng. Đây là mức lương ghi nhận kinh nghiệm làm việc lâu năm của tôi trong ngành này. Ngoài ra, ở đây là thành phố lớn nên chi phí sinh hoạt, xăng cộ đi lại cũng cao hơn".
Ngoài ra, ứng viên nên thuyết phục nhà tuyển dụng bằng sự chân thành: "Mục đích của tôi là gia nhập công ty để nhận ra giá trị của bản thân. Nếu được chọn, tôi sẽ nỗ lực nâng cao giá trị của mình để xứng đáng với mức lương mà công ty trả cho tôi".
Trong trường hợp yêu cầu tuyển dụng không ghi rõ mức lương thì ứng viên có thể tìm hiểu thông qua Internet. Nếu mức lương thường ghi ở khoảng 9-12 triệu đồng thì mức lương chung là 9 triệu đồng. Điều quan trọng nhất là ứng viên phải thoải mái, thẳng thắn bày tỏ với người tuyển dụng, không nên ấp úng rụt rè. Cần thiết cho nhà tuyển dụng thấy sự chân thành của ứng viên.
Ảnh: Tổng hợp