Cơn bão nhiệt đới Haikui có thể mạnh lên và tương tác hơn nữa với bão Sao La, khiến hướng di chuyển của cơn bão này trở nên khó lường.
Như những thông tin đã chia sẻ, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão Sao La ngoài khơi biển Đông là cơn bão có đường đi phức tạp và được theo dõi chặt chẽ.
Vào khoảng 5h ngày 28/8, bão Sao La cách mũi Nga Loan 740 km về phía Nam - Đông Nam và di chuyển theo hướng Đông - Đông Nam với tốc độ 11 km/h. Bão Sao La có bán kính 190 km và có sức gió duy trì tối đa 172 km/h, với sức giật lên tới 208 km/h.
Theo cơ quan dự báo khí tượng ở một số quốc gia lân cận, bão Sao La đã có phần yếu nhẹ đi, đến giới hạn trên của một cơn bão vừa phải. Tuy nhiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh thêm.
Nguy cơ bão gộp khi 2 cơn bão hợp nhất với nhau
Tại vùng biển ngoài khơi đảo Luzon (Philippines), trong ngày 28/8, bão Sao La bắt đầu chuyển hướng về phía Bắc. Sang ngày 29/8, dự báo chuyển hướng Tây Bắc và bắt đầu hướng về eo biển Ba Sĩ - eo biển nối liền Biển Philippines và Biển Đông.
Bão Sao La dự đoán sẽ đến gần Đài Loan vào ngày 31/8 và ngày 1/9 sẽ đi vào eo biển Đài Loan sau đó đổ bộ vào tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào ngày 2/9. Dù bão Sao La có đổ bộ vào Đài Loan trong ngày 1.9 hay không thì cơn bão này cũng sẽ đạt đỉnh điểm vào ngày này.
Đáng chú ý, hiện có một cơn bão nhiệt đới tên Haikui đang hình thành ở phía tây Guam , dẫn tới khả năng xảy ra hiệu ứng Fujiwara khi 2 cơn bão hợp thành một cơn bão lớn.
Cơn bão có tên Sao La là 1 trong 10 tên bão do Việt Nam đề xuất. Hiện tại bão Sao La chưa di chuyển vào biển Đông nên chưa được tính là cơn bão chính thức của Việt Nam. Nếu cơn bão này không đi vào biển Đông, thì tháng 8 này không xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới nào trên biển Đông.
Bão Sao La có cường độ mạnh và hướng di chuyển phức tạp
Đây là lần thứ 3 trong vòng 30 năm qua (sau năm 2011 và 2015) vào tháng 8 không có bão trên biển Đông. Nguyên nhân là do tác động của El Nino khiến bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện ít hơn bình thường.
Trước đó theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11/2023, trên biển Đông có khả năng sẽ xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp về quỹ đạo và cường độ.
Chiều ngày 28/8, Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia thông báo ở trạm đảo Phú Quý đã có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động.
Ngoài ra, đêm 28 và ngày 29/8, ở Vịnh Bắc Bộ, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Dù chưa đi vào biển Đông nhưng một số vùng biển chịu tác động của bão
Cảnh báo đêm 29 và ngày 30/8, vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2,0-4,0m; ở phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao 1,0 – 2,0m.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.