Việt Nam có rất nhiều người lao động đi xuất khẩu sang các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... Tỉ lệ này vẫn tăng trong các năm gần đây.
Xuất khẩu lao động không còn là khái niệm quá mới đối với người dân Việt Nam. Một người lao động đến một quốc gia khác quê hương của mình để làm việc với những đãi ngộ và thủ tục chính quy đều được xem là xuất khẩu lao động. Ngày 5/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo, trong tháng 8/2023, cả nước có 12.010 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, người lao động có xu hướng đi đến các quốc gia có nền kinh tế phát triển như 6.076 lao động đến Nhật Bản, 4.698 lao động đến Đài Loan. Những quốc gia kế tiếp ghi nhận đông đảo số lượng lao động Việt Nam đến làm việc như Hàn Quốc, Hungari, Singapore, Trung Quốc, Ba Lan...
Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 97.234 người lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, đạt tỉ lệ 88,39% kế hoạch đã đề ra trong năm và tăng gấp 1,03 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các thị trường lao động mà người lao động Việt Nam ưa chuộng, Nhật Bản luôn đứng đầu danh sách. Đây được đánh giá là thị trường tiềm năng dẫn đầu về lượng tiếp nhận lao động Việt Nam với mức lương chi trả rất cao. Có khoảng 47.215 người lao động đến Nhật Bản, sau đó là 41.654 người lao động đến Đài Loan, 1.944 người lao động đến Hàn Quốc, 1.163 người lao động nam đến Trung Quốc, 1.002 người lao động đến Hungari, 964 người lao động nam đến Singapore...
Theo Trung tâm Lao động nước ngoài thực hiện các chương trình lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Đối với chương trình này, thực tập sinh làm việc ở Nhật Bản có thể hưởng lương 130.000-170.000 yên/tháng (21,5 triệu đồng đến 28 triệu đồng/tháng). Sau khi kết thúc thời gian thực tập, thực tập sinh sẽ được nhận khoản tiền khuyến khích sự nghiệp là 200.000 yên/năm (khoảng 33 triệu đồng/năm).