Thi tuyển vào đại học ở nước nào cũng khốc liệt, nhưng tại đất nước có dân số khủng như Trung Quốc thì kỳ thi này còn gây ám ảnh hơn bội phần.
Ở Trung Quốc, thi đại học được coi là một lần thay đổi vận mệnh. Đây cũng được nhận xét là kỳ thi khốc liệt nhất thế giới, chỉ có 1/3 thí sinh đỗ vào các trường đại học chính quy, số còn lại sẽ không còn cơ hội bước chân vào giảng đường với kỳ vọng thay đổi vận mệnh.
Theo đó, cuộc thi sẽ kéo dài trong 2 ngày, và chỉ có chưa đến 1% các thí sinh được nhận vào nhóm các trường hàng đầu. Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh là những trường có tỉ lệ chọi cực khủng khiếp 1/50.000, đây cũng được xem là những trường danh giá bậc nhất tại Trung Quốc. Áp lực thi cử gia tăng, bởi lẽ, kỳ thi này quyết định công việc tương lai của thí sinh. Đậu vào đại học chính là chiếc vé vàng đảm bảo thành công về việc làm, hôn nhân hay chính quãng đời còn lại sau này của một người.
Để chuẩn bị cho kỳ thi khắc nghiệt bậc nhất thế giới, các em học sinh phải ôn thi đến kiệt sức trong thời gian dài. Nhiều trường thậm chí bị chỉ trích đang đào tạo robot vì bắt học sinh cuối cấp học bài đến 15 tiếng mỗi ngày. Dù mệt mỏi đến mức phải nhập viện, học sinh lớp 12 vẫn không thể lơ là học tập.
Ví dụ điển hình cho sự khắc nghiệt trong kỳ thi đại học này là trường trung học Hành Thủy, nơi có những học sinh đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi cao khảo. Tại ngôi trường được mệnh danh là “nhà máy luyện đại học” này, các học sinh đều được sắp xếp thời khóa biểu chặt chẽ đến từng phút từ 5h30 đến 22h10 mỗi ngày. Mỗi tháng, học sinh chỉ có được duy nhất một ngày nghỉ.
Người Trung Quốc cho rằng kiểu học hành “cày cuốc như trâu” này mới là cách hiệu quả nhất để giúp học sinh vào được đại học. Kết quả thống kê cho thấy học sinh của trường Hành Thủy chiếm tới 80% số thí sinh của cả tỉnh Hà Bắc đỗ vào 2 trường đại học danh tiếng là Thanh Hoa và Bắc Kinh.
Trung Quốc có quá nhiều người nhưng tài nguyên giáo dục lại hữu hạn, thế nên, muốn đậu đại học thì chẳng còn cách nào ngoài việc phấn đấu 12 năm cho 1 cuộc chiến. Kết quả trong kỳ thi cao khảo ảnh hưởng lớn đến thành công trong tương lai mỗi người. Do đó, phụ huynh, nhà trường thường xuyên đốc thúc, thậm chí ép buộc con học hành. Ở một số vùng, học sinh bắt đầu ôn luyện cho kỳ thi này từ lúc trung học cơ sở.
Với độ khó của đề thi đại học ở Trung Quốc, nhiều chuyên gia nhận xét đề thi môn Tự Nhiên ở nước này có độ khó ngang với đề thi cho các sinh viên đại học năm cuối ở các nước phương Tây. Chính vì sự khắc nghiệt của cuộc thi này, không thiếu những trường hợp gian lận tinh vi do thí sinh nghĩ ra. Để bảo đảm sự minh bạch, mỗi kỳ thi ở đây đều được bố trí lắp đặt camera và máy dò kim loại tại phòng thi để theo dõi thí sinh. Nếu bị phát hiện gian lận trong kỳ thi này thí sinh có thể bị phạt tù trong 7 năm.
Vậy nên để đạt được điểm cao, học sinh mỗi ngày phải học từ 6h đến 23h. Thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đều được quy định rõ ràng. Nếu ai chỉ ngủ 4 tiếng/ngày thì sẽ đỗ đạt và ghi tên bảng vàng, còn nếu như ngủ tới 5 tiếng/ngày thì sẽ chẳng mang lại kết quả gì hết.
Chính vì vậy, học sinh Trung Quốc luôn cố gắng học ngày đêm để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Vì những kỳ vọng quá lớn của gia đình và toàn xã hội, nên kỳ thi đại học Trung Quốc cực kỳ được coi trọng và vô hình chung đã đặt lên vai các em học sinh những áp lực hết sức nặng nề.