Nhiều netizen đã tranh cãi gay gắt việc bài Ngữ văn này nên là cóc hay là cáo.
Mạng xã hội đã chứng kiến không ít những trường hợp các đề bài gây tranh cãi. Trong đó, thường sẽ có những bài toán hay đề bài trong một số môn tự nhiên gây tranh luận về kết quả hay cách giải toán. Nhưng riêng trường hợp đề Ngữ văn mới đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều người khi gây tranh cãi chỉ vì một chữ.
Theo đó, một cô giáo dạy Văn ở Hà Nội mới đây chia sẻ bài Ngữ Văn đang chấm thi khiến mình thấy "áp lực". Trong phần hình ảnh được chia sẻ, có thể thấy học sinh nọ làm sai khá nhiều các câu hỏi về xác định thể loại, hay những kiến thức cơ bản về tác phẩm. Bài làm cũng có nhiều lỗi chính tả, cách diễn đạt lủng củng và khá khó nắm bắt cho người đọc.
Trong bài văn nghị luận, học sinh này dẫn câu "Cóc chết ba năm quay đầu về núi" gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng, câu thành ngữ này chính xác phải là "cáo" chứ không phải cóc , nhằm diễn tả ý nghĩa: Dù cho đi đâu thì quê hương cũng chính là nơi cuối cùng mà con người ta muốn trở về. Tuy nhiên, một số ý kiến lại bày tỏ ngược lại khi cho rằng cóc mới là con vật chính xác được nói đến trong câu thành ngữ.
Được biết liên quan đến câu thành ngữ này, học giả An Chi đã từng giải thích:
"Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý chủ biên đã ghi nhận câu 'Cóc ba năm lại quay đầu về núi' (lấy ở báo Tiền Phong ngày1/7/1977). Hình thức gốc (và đúng) của câu này là 'Cáo chết ba năm quay đầu về núi'. Ta đâu có thể nào tự tiện đổi 'cáo' thành 'cóc' được, vì nếu có thể hoán vị một cách tùy tiện như thế thì biết đâu sẽ chẳng có người hứng chí mà tuyên bố rằng 'con cáo là cậu ông trời' để làm một cuộc đổi đời vì xưa nay ai cũng biết rằng, cậu của ông ta chỉ là con… cóc trong ngôn ngữ dân gian mà thôi. Thực ra, môi trường sinh sống của cóc chủ yếu là đồng bằng và rừng rậm chứ không phải núi . Huống chi nếu cóc chết đi thì xác của nó sẽ phân hủy trong một thời gian ngắn chứ làm sao có chuyện đã chết ba năm rồi mà nó còn quay đầu về núi! Vậy ta phải quẳng cóc đi mà trả chỗ cho cáo ".
Về câu "Cáo chết ba năm quay đầu về núi", theo học giả An Chi là:
"Câu này bắt nguồn ở thành ngữ tiếng Hán 'hồ tử thú khâu' [狐死首丘] (cáo chết hướng [về] gò), thường nói tắt thành 'thú khâu' 首丘 (= hướng về phía gò). 'Hồ tử thú khâu'thực chất là một lối dụng điển vì thư tịch Trung Hoa xưa từng nói đến chuyện này. Thiên 'Đàn Cung' trong sách Lễ ký viết: 'Người đời xưa có lời nói rằng cáo chết hướng về đúng gò; ấy là nhân vậy' (Cổ chi nhân hữu ngôn viết: Hồ tử chính khâu thú; nhân dã). Bài 'Ai Dĩnh' trong phần 'Cửu chương' của Sở từ có câu 'Cáo chết ắt quay về phía gò' (Hồ tử tất thú khâu). Truyện Khấu Vinh trong Hậu Hán thư có câu 'Không bằng cái tình của con cáo chết mà (còn biết) hướng về gò' (Bất thắng hồ tử thú khâu chi tình). Thiên 'Thuyết lâm' trong sách Hoài Nam Tử có câu 'Chim bay về quê, thỏ chạy về hang, cáo chết hướng gò' (Điểu phi phản hương, thố tẩu quy quật, hồ tử thú khâu). Chữ nghĩa rành rành như thế thì sao lại có thể tùy tiện mà đổi cáo thành 'cóc' được?".