Dưới đây là những hành vi được cho là khả năng sẽ không bị phạt khi tham gia giao thông mà ai cũng nên biết.
Hẳn nhiên là khi tham gia giao thông, người dân phải tuân thủ theo đúng luật lệ để đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi đường. Vậy nhưng ít ai biết rằng, trên thực tế có những hành vi dễ bị lầm tưởng là lỗi nhưng lại không phải. Trong đó có 6 hành vi sẽ không bị Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt.
Đi xe máy bằng một tay
Việc buông cả 2 tay khi lái xe máy là hành vi vô cùng nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, người vi phạm bị xử phạt rất nặng theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
“8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;”
Như vậy, nếu buông cả 02 tay khi điều khiển xe máy, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng, đồng thời còn bị tước Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng theo điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100.
Buông cả hai tay khi lái ô tô
Khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhưng chưa có quy định cụ thể giải thích hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đeo tai nghe khi điều khiển ô tô
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ yêu cầu người điều khiển xe mô tô, xe máy không sử dụng thiết bị âm thanh khi tham gia giao thông mà không yêu cầu người điều khiển ô tô thực hiện. Mặt khác, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng không quy định về mức phạt đối với hành vi điều khiển ô tô mà sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông.
Xe máy không có gương chiếu hậu bên phải
Có đủ gương chiếu hậu là một trong những điều kiện đảm bảo cho ô tô, xe máy được phép tham gia giao thông (theo điểm e khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008).Nếu vi phạm quy định này, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Theo quy định, trong khi ô tô chỉ cần không có đủ gương chiếu hậu là sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng (theo điểm a khoản 2 Điều 16). Tuy nhiên, với xe máy vi phạm, người điều khiển phương tiện chỉ bị phạt khi điều khiển xe mà không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng.
Đi xe đạp, xe máy dàn hàng hai
Khoản 3 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đều nghiêm cấm người điều khiển xe máy, xe đạp đi xe dàn hàng ngang. Nếu vi phạm, người điều khiển xe máy, xe đạp sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP lại chỉ quy định về mức phạt đối với xe đạp, xe máy đi dàn hàng ba trở lên. Cụ thể:
- Đi xe máy dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên: Phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.
- Đi xe đạp dàn hàng ngang 03 xe trở lên: Phạt từ 80.000 - 100.000 đồng.
Không xi nhan khi đi vào đường cong
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô, xe máy bắt buộc phải bật xi nhan khi chuyển làn; chuyển hướng xe; khi ô tô lùi xe, dừng xe, đỗ xe. Nếu không bật xi nhan trong các trường hợp này, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm.