Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, khán giả được dịp thưởng thức một phiên bản khác của Nàng thơ xứ Huế. Khác hẳn với giọng ca thánh thót, sâu lắng như kể chuyện của Thùy Chi, Á hậu Kiều Loan mang đến âm hưởng nhẹ nhàng, hiện đại cho bài hát.
Buổi Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 22 vừa được diễn ra tại Huế dưới sự dàn dựng của Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sự kiện được tổ chức tại Nhà hát Sông Hướng nhằm quảng bá nền điện ảnh Việt Nam và trao giải cho các cá nhân, đơn vị cống hiến hết mình vì nền nghệ thuật phim ảnh nước nhà. Lễ Bế mạc gây chú ý nhờ sự quy tụ của đông đảo diễn viên, đoàn làm phim và các hoa á hậu đình đám.
Xuất hiện trong buổi lễ, Á hậu Kiều Loan khéo léo diện đầm dạ hội màu xanh nổi bật cắt xẻ tinh tế khoe vai trần trắng nõn và đôi chân dài thẳng tắp. Thiết kế phô diễn nét đẹp rạng rỡ, thần thái của bóng hồng khi bên cạnh Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Lương Thùy Linh, Tiểu Vy.
Cũng trong sự kiện, nàng hậu bất ngờ trưng trổ giọng hát truyền cảm qua bài Nàng thơ xứ Huế. Lần này, Lona mang đến một tiết mục khác hẳn so với cá tính âm nhạc mà mình đang theo đuổi. Thay vì chọn những dòng nhạc rap có giai điệu mạnh mẽ, catchy, Lona thử sức với dòng nhạc nhẹ với giọng ca vô cùng dịu dàng, gây thấu cảm và dễ đi vào lòng khán giả. Như thể chân dung “Nàng thơ xứ Huế” được Lona khắc hoạ rõ nét trong từng lời ca, tiếng hát. Ở dưới khán đài Lễ bế mạc, dàn Hoa Á hậu liên tục cổ vũ cho người em thân thiết.
Đây là ca khúc từng gây “sốt” trên thị trường âm nhạc Việt bởi giọng ca thánh thót, sâu lắng như kể chuyện của nữ ca sĩ Thùy Chi. Ở phiên bản do Á hậu Kiều Loan thể hiện, Nàng thơ xứ Huế như khoác lên mình tấm áo mới, trong trẻo, nhẹ nhàng hòa vào một chút âm nhạc hiện đại. Ngoài ra, nàng Á hậu còn thể hiện vũ đạo uyển chuyển cùng vũ đoàn múa nón tạo nên không khí cực nên thơ và bình yên nơi xứ Huế.
Đặc biệt, thoát khỏi hình tượng nóng bỏng, sexy trên sân khấu, Kiều Loan bỗng hóa thành nàng thơ yêu kiều trong tà áo dài lụa bước ra từ tranh trúc chỉ mà chương trình giới thiệu. Được biết, nghệ thuật Trúc chỉ được nghiên cứu và ra đời nhầm mang đến cho Giấy khả năng thoát khỏi thân phận làm nền và trở thành tác phẩm nghệ thuật tự thân, độc lập. Chính tinh thần chứa đựng biểu tượng văn hóa đó đã cộng hưởng cho vẻ đẹp xuyến xao của “Nàng thơ xứ Huế” qua giọng ca của người con gái cũng đến từ mảnh đất miền Trung – Á hậu, ca sĩ Kiều Loan.