Đạo diễn Vinh Sơn, ông Kim Dong-ho và ông Jeremy Segay đã tham dự buổi tọa đàm "Phát triển Điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và Pháp".
Chiều ngày 16/11, buổi tọa đàm "Phát triển Điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và Pháp" được tổ chức với sự tham gia của các diễn giả như ông Kim Dong -ho - Nhà sáng lập, Cựu chủ tịch Liên hoan phim Quốc tế Busan, Chủ tịch danh dự của HIFF , ông Jeremy Segay - Tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam, thành viên Ban cố vấn HIFF .
Ngoài ra, buổi tọa đàm có sự hiện diện của các khách mời như bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đạo diễn Vinh Sơn - thành viên cố vấn nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM.
Tại sự kiện, ông Kim Dong -ho đã chia sẻ trong 5 năm vừa qua, ngành công nghiệp Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ, thông qua những minh chứng như bộ phim "Parasite" (Ký sinh trùng), "Squid Game" (Trò chơi con mực) đã đạt được nhiều giải thưởng danh tiếng.
Ông cho biết, Liên hoan phim Quốc tế Busan đã tôn vinh những tác phẩm nổi tiếng trong gần 30 năm qua, từ đó nhiều tác phẩm điện ảnh đã được phổ biến rộng rãi cho khán giả cũng như thị trường điện ảnh. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một Liên hoan phim Quốc tế đối với thị trường điện ảnh của một đất nước. Từ đây, ông khẳng định HIFF đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu những bộ phim mới đến với khán giả.
Ông Jeremy Segay bày tỏ sự lạc quan về điện ảnh Việt Nam trên thị trường điện ảnh thế giới. Ông cho rằng xu hướng hiện nay là những phim thành công về mặt nghệ thuật nhưng cũng thành công ở phòng vé với minh chứng tại Pháp. Bộ phim "Inside The Yellow Cocoon Shell" (Bên trong vỏ kén vàng) đã bán được 50.000, đồng thời gây được sự chú ý khi được trình chiếu và giành giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes.
Ông Jeremy Segay cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội chợ Phim trong một Liên hoan phim Quốc tế. Việt Nam cần phải có các gian hàng, các pavilion (nhà Việt Nam) dành riêng của Việt Nam tại đây để các công ty sản xuất phim từ Việt Nam tổ chức các hoạt động, sự kiện giao lưu và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đó chính là cách mà các nền điện ảnh khác trên thế giới và kể cả khu vực Đông Nam Á đang làm.
Song song với những tín hiệu lạc quan, các nhà làm phim Việt vẫn còn không ít băn khoăn giữa phim nghệ thuật và phim thương mại. Đạo diễn Vinh Sơn - người có nhiều năm nghiên cứu và làm phim tại Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: "Những bộ phim mang tính nghệ thuật đạt được giải thưởng ở các Liên hoan phim Quốc tế nhưng đều thất thu phòng vé ở Việt Nam. Điển hình gần đây nhất là phim Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên. Chính vì vậy các nhà làm phim lo ngại không biết làm sao để có vốn tiếp tục sản xuất phim nghệ thuật".
Đạo diễn Vinh Sơn chia sẻ, mặc dù sự chênh lệch này vẫn tồn tại ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì cách biệt quá lớn. Những nhà làm phim nghệ thuật có quá ít khán giả ủng hộ. Chính vì vậy đạo diễn Vinh Sơn kỳ vọng Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM sắp tới sẽ tạo đà thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim nghệ thuật, kéo hẹp khoảng cách về lợi nhuận giữa phim thương mại và phim nghệ thuật, từ đó tạo "nền móng" cho nhiều nhà làm phim trẻ thử sức với nhiều đề tài, thể loại phim ảnh.