Cách làm này học theo ý tưởng “caffé sospeso” (cà phê chờ, cà phê treo) xuất phát từ Ý.
Ý tưởng này nảy sinh từ thành phố Naples ở nước Ý sau Đệ nhị Thế chiến, trong một quán cà phê vào một ngày mùa đông lạnh giá. Tại thành phố nghèo nàn của miền nam nước Ý, một người khách quyết định tặng một ly "caffè sospeso" (cà phê treo) cho ai đó không có tiền uống. Hình thức này sau đó dần dần lan sang các nước châu Âu khác, và tại Pháp không chỉ có "cà phê treo" (café suspendu) mà còn có "bánh mì đợi chờ" (baguette en attente), nhờ đó người nghèo có thể vào tiệm bánh mang về những ổ bánh mì dài kiểu Pháp nóng giòn, do một người nào đó đã trả tiền trước.
Tại Việt Nam, mô hình "cơm treo" bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2013. Đến năm 2014, đã có bảy nhà hàng, quán cà phê và một khách sạn đồng ý hỗ trợ bán phiếu cơm treo.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 10 năm, dự án "cơm treo" dường như vẫn chưa được nhiều người biết đến rộng rãi như kỳ vọng.
Mới đây, trên nền tảng mạng xã hội, thông điệp "cơm treo" lại được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Gợi nhớ và khởi xướng thông điệp này từ một fanpage comic có một lượng fan đông đảo, nhiều bạn trẻ thích thú xin đóng góp vài phần "cơm treo" để lan tỏa.
Mình tấp vào quán cơm bình dân ven đường. Vừa lúc có 2 vị khách bước vào, gọi:
- Cho 3 dĩa cơm! Nay “treo" giúp tụi em 1 dĩa nha chị!
Lát sau, một cậu bé bán vé số rụt rè đến hỏi:
- Dạ, chị ơi! Hôm nay có “cơm treo” không?
Chị chủ chỉ cậu bé vào ngồi bàn, một dĩa cơm được bưng ra, đầy đủ canh, rau, thịt… y chang dĩa 2 người ban nãy gọi.
Được biết, quán không có dán thông báo nào cho người ta biết về cái "cơm treo" này, mà nó vẫn âm thầm diễn ra hàng ngày kể từ sau đại dịch, ngấm ngầm trở thành nét văn hóa của quán.
Một người may mắn có thể mời lại một người khác kém may mắn hơn mình 1 dĩa cơm. Đó có thể là người già neo đơn, là chị buôn ve chai, cậu bé bán vé số, em bé ăn xin hay một sinh viên xa nhà túng thiếu…
“Khách tự nguyện ‘treo’ cơm lại vậy thôi, không danh tính. Họ sợ người nhận ngại không đến nữa” - chị chủ nói.
Nghe vậy, mình cũng “treo” lại 2 dĩa cơm rồi tính tiền ra về.
Với lời thoại và nét vẽ gần gũi, đáng yêu cùng nội dung nhân văn đã nhanh chóng viral trên nền tảng MXH.
Ý tưởng của "cơm treo" không chỉ mang tính nhân văn cao mà còn thể hiện lòng tử tế và sự chia sẻ của cộng đồng. Đó là một cách để những người có khả năng hỗ trợ kịp thời giúp đỡ những người gặp khó khăn với hy vọng làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Dự án "cơm treo" cần sự chung tay của cả cộng đồng để lan tỏa và trở nên phổ biến hơn, từ đó tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn với sự đồng lòng và sẻ chia.