Không nộp SAT, GPA không đạt 9.0, nam sinh Trương Khánh Đường học sinh lớp 12A2 đến từ trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, Quận 1, TP.HCM vẫn xuất sắc trúng tuyển Đại học Bucknell (Mỹ) với học bổng trị giá 6 tỷ đồng.
Với niềm yêu thích và khát khao hành động, Khánh Đường đã có định hướng từ rất sớm, lựa chọn theo đuổi ngành Kỹ sư môi trường và đặt mục tiêu sẽ được du học tại đất nước Mỹ, nơi có thế mạnh về đào tạo, phát triển khoa học, nghiên cứu và ứng dụng.
Thành công nhờ định hướng sớm
Khánh Đường chia sẻ: "Ở trường khi được học về môn Sinh học, em đã thấy có nhiều hứng thú về môi trường xung quanh. Sau đó em tự mình tìm hiểu, đọc nhiều bài báo và cả qua những điều mà mình chứng kiến, em thấy rằng môi trường của chúng ta đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Em muốn mình không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu và biết về vấn đề này mà còn là nghiên cứu sâu về nó, góp phần thay đổi nó. Đó là lý do em muốn theo học ngành Kỹ sư môi trường”.
Chính những tâm tư, trăn trở này cũng được Khánh Đường đưa vào bài luận phụ của mình khi được hỏi về lý do chọn ngành. Thông thường, để có thể giành học bổng cao vào các trường đại học Mỹ, hồ sơ của học sinh sẽ có điểm số SAT cao đến hơn 1500 hoặc IELTS ít nhất 7.5; đặc biệt là điểm trung bình trên lớp (GPA) đa phần toàn từ 9.0 trở lên.
Tuy nhiên, bộ hồ sơ của Khánh Đường lại vô cùng đặc biệt với số điểm GPA bình thường, IELTS khoảng 7.0 và không nộp SAT. Nam sinh 18 tuổi của trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết: "Vốn dĩ GPA và điểm học thuật khác của em không cao lắm nhưng em đã chứng minh với hội đồng tuyển sinh là em có sự thay đổi, vươn lên bằng con số được tăng theo từng năm. Ngoài ra, em đã đẩy mạnh những mảng khác, như là luận hay là hoạt động ngoại khóa".
Ngoài thời gian học tập, Khánh Đường hoạt động rất năng nổ trong vai trò Chủ tịch “1 ECO”, một câu lạc bộ hướng tới việc nâng cao nhận thức và phổ biến lối sống thân thiện với môi trường nhờ quá trình sáng tạo các cách tái chế. Câu lạc bộ “1 ECO” đã phát động chiến dịch “7 ngày sống xanh” thu hút nhiều hơn 100 sinh viên với sứ mệnh giảm thiểu chất thải ra ngoài môi trường, xây dựng bảng hướng dẫn chuyển đồ nhựa cũ không dùng thành các chai đóng vào máy lọc nước thủ công, sản xuất chai nước rửa tay để tặng cho những người khó khăn, góp phần ngăn ngừa Covid-19…
Và bài luận xuất sắc về môi trường
Không chỉ năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, Khánh Đường cũng biết tạo dấu ấn trong các bài luận của mình. Ở bài luận đầu tiên, em viết về lý do chọn chuyên ngành Khoa học môi trường tại Bucknell University. Hồi lên lớp 7, gia đình của Khánh Đường chuyển đến sinh sống gần kênh Nhiêu Lộc. Cứ mỗi buổi chiều, bố của Khánh Đường lại rủ em đi bộ hóng mát gần nhà. Vấn nạn ô nhiễm, tình trạng vứt rác thải tràn lan bên dòng kênh này khiến em rất buồn.
Khánh Đường chia sẻ: "Em nghĩ đi sâu vào Khoa học môi trường sẽ giúp em hiểu nhiều hơn về sự sống xung quanh. Em thấy ở Việt Nam có nhiều phong trào dọn vệ sinh môi trường nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó rác thải lại ngập tràn khắp nơi. Tình trạng này chưa giải quyết dứt điểm là do ý thức mọi người.
Vì vậy, em muốn nghiên cứu về môi trường để trong tương lai có những giải pháp hiệu quả hơn và giúp mọi người nâng cao trách nhiệm và ý thức. Mẹ em là người hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này. Mẹ cũng nhận thấy thế giới luôn tồn tại vấn đề, luôn không hoàn thiện. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nỗ lực để có thể thay đổi một phần nào đó".
Trong bài luận thứ hai, Khánh Đường viết về những trải nghiệm và trách nhiệm của bản thân. "Em viết về hành trình đi tìm chính mình. Sau khi tìm ra, em hiểu có những nơi và những mối quan hệ giúp mình trưởng thành, phát triển mà không bị bó hẹp trong một phạm vi. Cuối cùng em đã thay đổi tích cực, trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn", nam sinh của trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa tâm sự.
Khánh Đường từng rơi vào áp lực, mệt mỏi khi mới lên cấp 2. Em cảm thấy bản thân khác biệt so với các bạn. Đến từ một trường tiểu học rất nhỏ ở địa phương nên khi bước chân vào ngôi trường chuyên, Khánh Đường cảm thấy lẻ loi, khó hoà nhập. Nhưng sau đó, em may mắn được các bạn động viên. Cuối cùng, Khánh Đường nhận ra khác biệt không phải là điều quá tệ. Khác biệt làm nên màu sắc cá nhân. Giờ em không coi đó là điểm yếu mà biến đó là một điều đặc biệt để phát triển bản thân.
"Em có lời khuyên đưa ra cho các bạn học sinh đang làm hồ sơ đi du học là nên dành nhiều thời gian nghiên cứu viết luận. Bài luận đóng vai trò quan trọng, quyết định bạn có trúng tuyển hay không. Các bạn cần có ý tưởng sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, đúng với hoàn cảnh bản thân. Bạn nên lật đi lật lại vấn đề giúp bài viết thêm sâu sắc. Trong 6 tháng, em đã viết rất nhiều bài luận rồi chọn một bài ưng ý nhất dưới sự tư vấn của thầy cô tại Trung tâm American Study", Khánh Đường chia sẻ.