Bài hát được chế lời lại từ bài thơ "Lượm" nổi tiếng được chia sẻ rầm rộ trên Tiktok khiến nhiều người bức xúc vì quá phản cảm, thậm chí đi ngược lại văn học.
Trào lưu "biến hình" trên mạng xã hội Tiktok ngày càng phát triển và nở rộ trong cộng đồng giới trẻ Việt Nam. Rất nhiều bài hát ngày xưa được remix và viết lời lại cho phù hợp với phong cách "biến hình" rồi gây sốt khắp nơi. Thậm chí, nhiều ngôi sao nổi tiếng sau khi phát hành sản phẩm âm nhạc cũng "học theo" để hưởng ứng trào lưu "biến hình" này.
Tuy vậy, không phải lúc nào những trào lưu "biến hình" cũng mang lại giá trị tốt đẹp. Minh chứng cụ thể như trường hợp của trào lưu "biến hình" dựa trên nền nhạc chế lời từ bài thơ "Lượm" của nhà thơ Tố Hữu.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "Chú bé loắt choắt" hay hashtag "chubeloatchoat " trên Tiktok , khán giả sẽ nhìn thấy một loạt những clip biến hình mà hầu như người hưởng ứng đều là học sinh cấp Hai, cấp Ba còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện tại, trên nền tảng này ghi nhận cụm từ "chubeloatchoat " có hơn 18,4 triệu lượt nhắc đến. Đoạn âm thanh nhạc chế này được sử dụng và có lượt tương tác cao, nhiều clip biến hình lên đến hàng trăm ngàn lượt xem.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy nhạc chế lời bài thơ "Lượm" đang trở nên phản cảm. Việc thay đổi ý thơ của một bài thơ nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam khiến netizen cảm thấy bức xúc.
Nếu như trong bài thơ "Lượm" của Tố Hữu phác họa hình ảnh những em bé thiếu niên làm nhiệm vụ liên lạc trong thời chiến, ca ngợi hình ảnh của người trẻ làm việc lớn thì trong bài nhạc chế lại mang hàm nghĩa tiêu cực, phản cảm như "Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi/Gió đưa cành trúc thật Prada/Trên mạng đang hot trend gì vậy ta/Họa hổ họa bì nan họa cốt/Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương/Cười người hôm trước hôm sau người cười/Trăm nghe không bằng mắt sáng 10 trên 10/Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều".
Nhiều netizen ngay lập tức phản ứng gay gắt trước hành động chế lời thơ trong văn học Việt Nam với những câu văn mang ý nghĩa không tốt, đặc biệt là khi nhắc về nghề nhà giáo. Một số bình luận như "Là một giáo viên, mình không thể chịu nổi bài nhạc này", "Hư cả một thế hệ", "Người quay clip nhiều nhất là tụi học sinh chứ ai", "Một bài thơ tốt đẹp bao thế hệ lại biến thành trò hề trong mắt các bạn à?", "Những trường hợp này nên được xử lý nếu không sau này sẽ càng khó kiểm soát"...
Thực tế, đoạn nhạc gốc này từng được một rapper sáng tác vào năm 2020 nhưng mãi đến 3 năm sau là thời điểm hiện tại thì nó mới trở nên phổ biến.
Dưới sự chỉ trích của cộng đồng mạng, hiện chủ nhân đoạn nhạc đã xóa/ẩn bài nhạc gốc trên kênh Youtube. Đồng thời, người phối bài hát cũng gỡ bỏ phiên bản này trên mạng xã hội và hứa sẽ cẩn thận hơn trong việc làm nhạc để tránh phạm phải sai lầm.
Ảnh: Tổng hợp