Cụm từ "trôn Việt Nam" xuất hiện khắp các mạng xã hội và gây sốt trong cộng đồng giới trẻ. Nhiều người thắc mắc trào lưu này có nghĩa là gì mà được hưởng ứng như thế.
Đầu năm 2024, trên mạng xã hội xuất hiện một loạt bài đăng có sử dụng cụm từ "trôn Việt Nam". Thậm chí, từ khoá này còn trending trong cộng đồng giới trẻ và đi đến đâu cũng nghe mọi người nhắc đến. Trên thực tế, đây là một từ phiên âm tiếng Việt xuất phát từ tiếng nước ngoài. Netizen trẻ xứ Việt sử dụng như một cách trêu đùa hài hước dành cho nhau.
Thực tế, "trôn Việt Nam" xuất phát từ chữ '"troll" trong tiếng Anh, mang nghĩa là một tình huống bị chơi khăm. Cụm từ "trôn Việt Nam" được bắt nguồn từ chương trình thực tế đường phố nổi tiếng của nước ngoài mang tên "Just For Laughs Gags".
Trong chương trình này, một số người sẽ thực hiện các trò đùa hoặc chơi khăm, tạo ra những tình huống ngớ ngẩn, hài hước hoặc doạ cho người qua đường hoảng sợ. Sau khi những người qua đường tin vào trò đùa này thì chủ nhân của trò đùa sẽ tiết lộ sự thật rằng đây chỉ là một trò chơi khăm đùa vui mà thôi rồi chỉ về phía camera ẩn được đặt ở xung quanh đó.
Trên mạng xã hội Tiktok, nhiều Tiktoker Việt Nam đã thực hiện các trò đùa chơi khăm để trêu ghẹo người khác, sau đó quay lại phản ứng hài hước của họ. Cuối cùng, các Tiktoker sẽ chỉ về phía camera ẩn và nói với người kia rằng "trôn Việt Nam" để báo hiệu đó chỉ là một trò đùa, đừng căng thẳng hay lo sợ quá. Những video này thu hút hàng triệu lượt xem trên Tiktok và phổ biến khắp các mạng xã hội khác.
Không chỉ riêng Tiktok mà trên mạng xã hội Facebook, nhiều bài đăng của các fanpage cũng sử dụng từ "trôn Việt Nam" như để báo hiệu về một trò đùa gây cười. Những tấm ảnh được photoshop theo phong cách hài hước hoặc chèn những câu thoại oái ăm cùng với cụm từ "trôn Việt Nam" khiến ai cũng bật cười. Nhiều người cho biết, đối với họ thì "trôn Việt Nam" cũng giống như các cụm từ "dui dui dẻ dẻ" hay "flex/flexing" từng gây sốt một thời trên mạng. Tất cả những cụm từ này có một điểm chung là ngôn ngữ mạng của giới trẻ, cụ thể là gen Z và nếu không cập nhật trend thì sẽ không hiểu.