Nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga có cuộc đời nhiều đau thương, đạt đến đỉnh cao của hào quang sân khấu nhưng lại chịu kết thúc đầy bi kịch.
Nghệ sĩ Thanh Nga - "Nữ hoàng sân khấu" cải lương một thời
Nghệ sĩ Thanh Nga (1942 - 1978) được mệnh danh là "nữ hoàng sân khấu" của cải lương Việt Nam. Bà không chỉ nổi tiếng về nhan sắc, tài năng mà còn được công chúng yêu mến vì nét thùy mị, nết na, tấm lòng nhân hậu. Dù đã hơn 40 năm kể từ khi nghệ sĩ Thanh Nga qua đời, nhưng khán giả vẫn luôn nhớ đến bà với những câu chuyện tốt đẹp và hình ảnh không phai mờ trên sân khấu cải lương một thời.
Nghệ sĩ Thanh Nga sở hữu giọng hát và nhan sắc khiến nhiều khán giả mê đắm
Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31/7/1942, quê ở Tây Ninh. Bà trải qua 2 cuộc hôn nhân, lần đầu với ông Nguyễn Minh Mẫn, lần sau là vợ thứ của ông Phạm Duy Lân. Nghệ sĩ Thanh Nga có 1 cậu con trai với ông Lân tên là Phạm Duy Hà Linh (sinh năm 1973).
Tài năng hát vọng cổ của nghệ sĩ Thanh Nga sớm bộc lộ từ khi còn nhỏ, được trau dồi và tỏa sáng trên sân khấu và được xem là "nữ hoàng sân khấu" cải lương miền Nam trong giai đoạn 1960 - 1970 với nhiều vở diễn như: Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Phụng Nghi đình, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng sóng Tiêu Tương...Năm 1984, nghệ sĩ Thanh Nga được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Bà là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng đình đám trên khắp các sân khấu cải lương thời đó
Đạt đến hào quang nghệ thuật, nhưng nghệ sĩ Thanh Nga lại ra đi trong bi kịch bởi một vụ ám sát.
Vụ ám sát trong đêm khuya cướp đi sinh mạng của một nghệ sĩ đang độ rực rỡ
Đêm ngày 26/11/1978, sau khi diễn xong vở cải lương "Thái hậu Dương Vân Nga") ở rạp hát Cao Đồng Hưng, nghệ sĩ Thanh Nga trở về nhà trên chiếc xe riêng do chồng là ông Phạm Duy Lân cầm lái. Ngồi bên cạnh ông Lân ở ghế trước có một võ sư được thuê làm vệ sĩ. Ở ghế sau là nghệ sĩ Thanh Nga cùng cậu con trai Hà Linh khi đó 5 tuổi.
Khi chiếc xe vừa đỗ trước cửa nhà riêng, vệ sĩ bước xuống trước mở cửa xe thì bất ngờ một chiếc xe máy lao đến, 2 kẻ lạ mặt nhảy xuống dùng súng ngắn khống chế vệ sĩ. Cùng với đó mở cửa sau ô tô và chĩa súng vào nghệ sĩ Thanh Nga và đòi bắt cóc bé Hà Linh. Tuy nhiên nghệ sĩ Thanh Nga phản kháng dữ dội, kiên quyết giấu con trai ra sau lưng rồi nằm đè lên để bảo vệ con.
Gia đình hạnh phúc của nghệ sĩ Thanh Nga trước khi bi kịch ập đến
Ông Phạm Duy Lân ngồi ở ghế trước liên tục van xin hai kẻ lạ mặt đừng bắt con mình, đổi lại vợ chồng ông sẽ đánh đổi mọi thứ. Tuy nhiên một trong hai tên này mạnh động, dùng súng bắn ông Lân tử vong, sau đó tiếp tục giằng co với nghệ sĩ Thanh Nga rồi sát hại bà. Sau khi gây án, hai kẻ lạ mắt phóng xe máy đi, người vệ sĩ và bé Hà Linh may mắn thoát chết. Năm đó, nghệ sĩ Thanh Nga mới 36 tuổi và đang trong thời kỳ rực rỡ nhất sự nghiệp của một ngôi sao cải lương.
Tang lễ vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga được tổ chức tại TP.HCM, khán giả từ khắp nơi trên cả nước đến thắp hương tiễn biệt, đứng tràn ra cả những con đường.
Vụ án nghệ sĩ Thanh Nga làm chấn động dư luận thời ấy. Công an TP.HCM khi đó đã lập chuyên án TN.11 để điều tra truy tìm thủ phạm. Đến tháng 4/1979, hai hung thủ bị bắt, đưa ra xét xử và nhận án tử hình.
Vụ ám sát gia đình nghệ sĩ Thanh Nga được cơ quan chức năng điều tra làm rõ (Ảnh dựng lại hiện trường trong quá trình điều tra)
Theo hồ sơ điều tra, ban đầu mục tiêu của hai đối tượng này không phải gia đình nghệ sĩ Thanh Nga mà là em trai của bà - NSUT Bảo Quốc với mục đích bắt cóc tống tiền. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu nghe ngóng đã chuyển hướng sang gia đình nghệ sĩ Thanh Nga. Ban đầu chúng chỉ có ý định bắt cóc bé Hà Linh để tống tiền nhưng do hai vợ chồng nghệ sĩ chống cự quá quyết liệt nên đã bắn chết cả hai.
Phần mộ của nghệ sĩ Thanh Nga được đặt ở chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự) tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Hằng năm vào mỗi dịp giỗ, lễ Tết hay ngày sân khấu, nhiều khán giả, bạn bè đồng nghiệp đến đây để thăm viếng cố nghệ sĩ.
Ảnh: Tổng hợp