'Ăn bắp cải vào đầu năm' hay 'trò chuyện với hồn ma vào đêm giao thừa' là một trong những phong tục đón Tết độc đáo của các quốc gia trên thế giới.
Châu Mỹ
Từ hơn 100 năm nay, lễ hội đếm ngược tại Quảng trường Thời Đại gần như trở thành nét văn hóa truyền thống đối với người dân nước Mỹ. Tại đây, vào đúng 12h đêm, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng khoảnh khắc quả cầu pha lê nặng 6 tấn được thả xuống, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Sau khi chào đón năm mới, người Mỹ sẽ dành phần lớn thời gian bên gia đình, bạn bè và tổ chức ăn uống tại nhà. Bàn tiệc đầu năm sẽ không thể nào thiếu những món như bắp cải, cá mòi, và mật ong. Vì theo văn hóa Mỹ, bắp cải có màu xanh và hình dáng tròn giống một đồng tiền; cá mòi luôn bơi thành từng đàn lớn và thẳng về phía trước tượng trưng cho sự thăng tiến, sung túc; còn mật ong tượng trưng cho sự giàu sang về của cải.
Trong thời khắc đón chào năm mới, ngoài những bữa tiệc hay các màn bắn pháo hoa, ở Mexico còn có một phong tục khá rùng rợn, đó là trò chuyện với hồn ma. Từ lâu, người dân Mexico đã tin rằng ‘xin lời khuyên' của người đã khuất vào đầu năm sẽ giúp họ tìm ra được những giải pháp, hướng đi tốt hơn trong năm mới.
Ngoài ra trong đêm giao thừa, mỗi lần chuông ngân người dân Mexico sẽ ăn 1 quả nho, tổng cộng có 12 hồi chuông tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Đặc biệt, phụ nữ độc thân sẽ mặc đồ lót màu đỏ với ý nghĩa năm mới sẽ tìm được tình yêu, còn những ai có hi vọng sang năm được ‘đi đây đi đó’ thì sẽ xách vali đi vòng quanh nhà.
Châu Âu
Ở Anh, vào đêm giao thừa, khi tiếng chuông đồng hồ Big Ben vang lên cũng là lúc người dân vương quốc Anh nâng ly, chạm cốc mời rượu và bắt đầu những bữa tiệc linh đình trong không khí náo nhiệt đón mừng năm mới đến.
Một điểm thú vị khác là những phong tục đón Tết dương lịch tại Anh khá giống với phong tục đón Tết âm lịch của người dân Việt Nam. Từ việc không được quét dọn nhà cửa, cho đến xông đất đầu năm và thậm chí là ‘mừng tuổi’. Chỉ khác ở việc họ không sử dụng tiền để mừng tuổi mà thay vào đó là những cây tầm gửi.
Đối với nhiều nền văn hóa, việc làm bể chén dĩa được xem như một điềm báo cho sự xui xẻo. Tuy nhiên ở Đan Mạch, bát đĩa vỡ lại mang một ý nghĩa trái ngược hẳn. Những chiếc bát đĩa cũ không dùng nữa được mọi người giữ lại đến giao thừa, họ sẽ qua nhà những người thân, những người hàng xóm yêu quý và ném bát đĩa vào nhà họ. Nhà nào càng có nhiều bát đĩa vỡ sẽ càng may mắn trong năm mới cũng như chứng tỏ mức độ thân thiết giữa bạn và gia chủ.
Châu Á
Hầu hết các quốc gia tại khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và ngay cả Việt Nam đều đón Tết theo lịch âm. Vì vậy Tết Tây tại các quốc gia này chỉ đơn thuần là một kì nghỉ và người dân chỉ được nghỉ duy nhất ngày 1/1. Tuy nhiên, tại Trung Quốc hay Việt Nam vẫn có những hoạt động nhằm hưởng ứng không khí chào đón năm mới cùng bạn bè Quốc tế.
Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở châu Á đón Tết Tây, dù vậy vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống phương Đông. Thường thì từ ngày 28/12, người Nhật sẽ bắt đầu đi sắm sửa đồ Tết, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa đến đêm 30 sẽ quay quần cùng gia đình bên bữa cơm tất niên. Bên cạnh đó, viết thiệp chúc mừng gửi cho bạn bè, người thân cũng là một trong những phong tục không thể thiếu với người Nhật trong dịp Tết. Thiệp mừng sẽ được gửi ở bưu điện trước 3-4 ngày để có thể đến tay người nhận đúng vào ngày 1/1 năm mới.
Châu Phi
Không có những phong tục đón năm mới kì lạ hay những màn countdown hoành tráng, mùa Tết tại châu Phi vẫn thu hút khách du lịch bằng những lễ hội truyền thống thú vị. Đến với châu Phi dịp Tết dương lịch bạn sẽ hoàn toàn đắm chìm vào không khí nhộn nhịp, sôi động của các sự kiện âm nhạc nổi tiếng, các màn biểu diễn đường phố đầy nghệ thuật.
Quỳnh Chi