Apple đang vấp phải một làn sóng tranh cãi gay gắt khi sử dụng mánh khóe khiến người dùng tại Pháp phải vứt bỏ IPhone để đi mua mới.
Theo tờ The Wired đưa tin, mỗi khi IPhone mới được ra mắt, một nhóm kỹ thuật viên tại Toulouse (Pháp) sẽ tiến hành tách từng bộ phận và nghiên cứu chúng một thời gian dài. Dự án này của Apple nhằm mục đích biến những chiếc IPhone của họ gặp khó khăn trong việc sửa chữa.
Nghiên cứu cho thấy, những chiếc IPhone ngày nay được nhà sản xuất lắp ráp bằng các linh kiện không thay thế được, hoặc chỉ có thể sửa chữa tại các cửa hàng chính hãng của Apple. Từ đó sinh ra tâm lý người dùng thường mua luôn điện thoại mới, chứ không bỏ tiền và thời gian thay thế linh kiện.
Alexandre Isaac - CEO của The Repair Academy chia sẻ câu chuyện Apple đã cố tình khiến IPhone ngày một khó sửa chữa hơn. Đầu tiên, chỉ có phần chip bán dẫn trên bảng mạch gặp phải tình trạng đó, nhưng giờ đây, hầu hết các bộ phận từ Face ID, Touch ID hay màn hình, pin đều dễ khiến người dùng phải sắm điện thoại mới.
Đáng nói hơn, việc thay thế linh kiện vô cùng đắt đỏ, người dùng thường phải chi trả một số tiền rất lớn, thậm chí còn lớn hơn số tiền mua máy mới. Bằng cách thức này, Apple đã gián tiếp buộc khách hàng vứt bỏ sản phẩm cũ và mua sản phẩm mới.
CEO Isaac còn cáo buộc: “Rất nhiều người lầm tưởng Apple là một công ty thân thiện với môi trường nhưng thực tế thì khác, họ đang khiến người dùng buộc phải vứt bỏ thiết bị nhiều hơn, qua đó gây ô nhiễm hơn bất cứ hãng điện thoại di động nào khác trên thế giới”.
Người dùng IPhone tại Pháp quyết liệt phản đối
Thực tế, Apple thu phí sửa chữa đắt đỏ không còn quá xa lạ, đó cũng là lí do để chính phủ Pháp tiên phong ép Apple phải dừng chiêu trò độc quyền này. Vào ngày 15/5 vừa qua, một số công tố viên Pháp tiến hành điều tra mô hình kinh doanh lỗi thời có tính toán (A Business Model of Planned Obsolescence) của Apple. Thuật ngữ này chỉ những công ty thiết kế sản phẩm theo hướng vòng đời ngắn để nhanh chóng bán được hàng mới nhiều hơn.
Đơn cáo buộc của các công tố viên cũng đã được trình lên Cục cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và phòng chống gian lận Pháp (DGCCRF). Nếu cáo buộc này được thông qua, chắc hẳn Apple sẽ phải chịu một án phạt nặng khi hãng đã cố tình vi phạm các quy định chống độc quyền tại Pháp.
Giám đốc Elizabeth Chamberlain của iFixit có đôi lời phát biểu: “Pháp đang thúc đẩy quyền tự do sửa chữa điện thoại ở một mức độ mà chưa một quốc gia nào làm được. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi thấy một chính phủ đưa vấn đề mô hình kinh doanh lỗi thời có tính toán thông qua khả năng sửa chữa sản phẩm lên mức độ cấp quốc gia như vậy”.
Sự độc quyền méo mó của thương hiệu hàng đầu thế giới
Một trong những cách Apple kiểm soát sự độc quyền của mình là đánh dấu số seri linh kiện và kết nối nó với số seri của IPhone. Từ đó mà điện thoại của ta sẽ tự động nhận diện được màn hình, pin hay linh kiện lạ được lắp đặt vào. Chỉ những cửa hàng sửa chữa của Apple mới có khả năng tinh chỉnh số seri nói trên.
Tuy nhiên, thủ thuật độc quyền này lại làm cho môi trường phải hứng chịu một lượng điện thoại bị vứt bỏ. Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận The WEEE Forum, con số này đã lên đến 5,3 tỷ chiếc điện thoại trong năm 2022. Đồng thời, việc đánh số seri của nhà táo khuyết cũng vi phạm quy định các nhà sản xuất phải cho phép khách hàng sửa chữa tại bất kỳ cửa hàng trên toàn nước Pháp.
Trước đó, nhà sản xuất đồ điện tử hàng đầu thế giới đã nhận mức phạt 25 triệu Euro (tương đương 27 triệu USD) vào năm 2017 về việc không thông báo với khách hàng chuyện cập nhật phần mềm iOS trên IPhone sẽ làm chậm các dòng điện thoại cũ. Không chỉ vậy, tại Mỹ, Apple cũng nhận khoản phạt 113 triệu USD vì lý do tương tự.
Mới đây, Liên minh Châu Âu (EU) đã lên kế hoạch buộc các doanh nghiệp tiến hành sửa chữa các sản phẩm miễn phí trong vòng 10 năm kể từ khi sản phẩm được bán ra. Đồng tình với ý kiến đó, 46/50 bang ở Mỹ cũng có động thái tương tự.
Nguồn: The Wired
Ảnh: Tổng hợp