Facebook là nơi tính kín đáo của các nhóm kín đôi khi trở thành tấm màn che cho những hành vi đi ngược lại chuẩn mực xã hội. Những trò đùa thô tục, khiếm nhã dần được coi là tiêu chuẩn của sự "hài hước".
Với sự phát triển của mạng xã hội, các hoạt động giao tiếp ngày càng được chuyển dịch lên các nền tảng trực tuyến. Những cuộc trò chuyện kín đáo không còn giới hạn trong các buổi gặp mặt trực tiếp, mà giờ đây diễn ra trong các nhóm kín trên Facebook, Messenger, hay diễn đàn như Reddit, nơi những người có cùng sở thích và mối quan tâm tụ họp để chia sẻ thông tin.
Tuy nhiên, dưới danh nghĩa bảo vệ quyền riêng tư và tự do ngôn luận, các hành vi như chế giễu, công kích và thậm chí quấy rối tình dục được ngụy trang thành những "trò đùa vô hại".
Gần đây, một nhóm kín trên Facebook có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng đã bị phanh phui, khi các thành viên thường xuyên bàn luận về những trò đùa nhạy cảm, tục tĩu và mang tính phân biệt giới. Vụ việc đã gây chấn động dư luận, làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực của những nhóm kín này đối với cộng đồng.
Facebook ra mắt tính năng Nhóm vào năm 2010, tạo điều kiện cho những người có chung sở thích giao lưu trong không gian riêng tư. Tuy nhiên, phải đến năm 2017, sau vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook mới bắt đầu tập trung mạnh mẽ hơn vào việc quảng bá tính năng này.
Bằng cách triển khai thuật toán "Facebook Zero", Facebook đã giúp các nhóm kín chiếm ưu thế trên news feed, với nội dung từ nhóm có phạm vi tiếp cận tốt hơn 5,2% so với fanpage.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển của các nhóm kín đã vượt qua khả năng kiểm soát của Facebook. Khi đặt trọng tâm vào Nhóm, Facebook bắt đầu dựa vào các quản trị viên và kiểm duyệt viên không lương để kiểm soát nội dung. Điều này không chỉ giúp công ty giảm chi phí mà còn giảm trách nhiệm trong việc kiểm duyệt nội dung, trong khi vẫn duy trì hình ảnh là "người bảo vệ tự do ngôn luận".
Theo cuốn sách Custodians of the Internet: Platforms, Content Moderation, and the Hidden Decisions that Shape Social Media của Tarleton Gillespie, nhiều nhóm kín hoạt động một cách gần như "vô hình".
Chỉ khi những hành vi vi phạm được báo cáo, các nền tảng mới can thiệp, nhưng đôi khi sự can thiệp này lại đến quá muộn. Facebook đã bị chỉ trích vì tạo ra một "khoảng trống quản lý", khi nội dung không phù hợp bắt đầu lan rộng trong những không gian tưởng chừng như "an toàn" này.
Thực tế cho thấy việc để các thành viên tự quản lý các nhóm kín đôi khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Việc nội dung từ các nhóm kín lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Đối với những nhóm có hàng nghìn hoặc thậm chí hàng trăm nghìn thành viên, khái niệm "riêng tư" trở nên mơ hồ và khó kiểm soát.
Mặc dù gọi là "kín", nhưng các nhóm này không thể đảm bảo hoàn toàn tính riêng tư như tên gọi. Với tính chất dễ sao chép, tìm kiếm và lan tỏa mạnh mẽ của nội dung trên mạng xã hội, bất kỳ thông tin nào cũng có thể trở nên công khai chỉ trong chốc lát.
Một câu chuyện, bức ảnh hay video tưởng chừng chỉ là trò đùa trong một nhóm nhỏ có thể nhanh chóng lan truyền ra bên ngoài, trở thành đề tài tranh cãi trên diện rộng.
Để đối phó với vấn đề này, các mạng xã hội đã bắt đầu nhận ra mối nguy và thực hiện một số cải tiến nhằm kiểm soát nội dung trong các nhóm kín, chẳng hạn như việc Facebook tăng cường sử dụng thuật toán tự động để phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, những giải pháp này vẫn chưa thể hoàn toàn giải quyết triệt để vấn đề.
Trong bài nghiên cứu "Walled Gardens: The New Shape of the Public Internet" của Nancy Paterson, các nhóm kín thường được ví như những "vườn địa đàng" – nơi mà các chuẩn mực xã hội bên ngoài dường như không còn được áp dụng.
Khi tham gia vào các nhóm kín, con người dễ có cảm giác "an toàn giả tạo", từ đó thoải mái buông thả bản thân với những trò đùa thiếu cân nhắc hay những lời lẽ mà họ có thể không bao giờ dám nói ra ở ngoài đời thực. Họ tin rằng tất cả sẽ chỉ ở trong cộng đồng đó, rằng không ai ngoài nhóm sẽ biết được những gì đang diễn ra.
Từ những "bức tường" kín đáo, các nhóm này có thể trở thành môi trường thúc đẩy những hành vi công kích và lạm dụng, mà ít bị sự kiểm soát hay phản kháng. Khi việc hạ thấp người khác, dù chỉ "để vui", dần trở thành chuẩn mực, những hành vi lệch lạc này bắt đầu được coi là chấp nhận được.
Trong không gian của nhóm kín, cảm giác ẩn danh hoặc ít nhất là sự đồng điệu với những người khác khiến các thành viên cảm thấy an toàn hơn. Khi các trò đùa mang tính phân biệt đối xử hoặc quấy rối được chia sẻ liên tục, các cá nhân không chỉ tìm kiếm sự giải trí, mà còn tự củng cố niềm tin rằng những hành vi đó là điều bình thường.
Những giá trị mà các cộng đồng trực tuyến đem lại không chỉ dừng lại ở phạm vi của không gian mạng, mà còn có tác động sâu sắc đến cuộc sống thực tế. Các hoạt động, trao đổi và thông tin được chia sẻ trong các cộng đồng online dần dần ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi và mối quan hệ của con người ngoài đời thực.
Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các nhóm Facebook là minh chứng rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của các cộng đồng này. Không chỉ là nơi mọi người kết nối và chia sẻ sở thích chung, các cộng đồng trực tuyến còn đóng vai trò như một kênh thông tin và hỗ trợ xã hội, ảnh hưởng đến cách con người tương tác, học hỏi và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.