Toán học giúp phát triển tư duy logic và khả năng suy luận. Nó khuyến khích học sinh tư duy hệ thống, phân tích vấn đề, và tìm cách giải quyết những bài toán phức tạp. Việc khuyến khích học sinh tiểu học giải những bài toán khó có thể tạo ra sự tự tin và sự tự trọng cho học sinh khi họ thấy mình có khả năng đối mặt và vượt qua các thách thức. Đồng thời, nó còn đòi hỏi sự sáng tạo khi bạn cố gắng tìm cách giải quyết các vấn đề phức tạp và tìm ra các phương pháp mới, nhất là những bài toán mang tính ứng dụng logic.
Tuy nhiên, không phải bài toán tiểu học nào cũng dễ dàng tìm được lời giải. Ngày nay, để kích thích tư duy logic của học sinh, nhiều giáo viên ở các trường tiểu học bắt đầu tìm kiếm nhiều bài toán hóc búa, sáng tạo hơn để thách thức học sinh. Điều này vô tình tạo nên không ít tranh cãi xoay quanh cách giải và đáp án của học sinh so với giáo viên.
Mới đây, một bài tập toán tiểu học được một phụ huynh chia sẻ trên diễn đàn mạng Trung Quốc làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều của mọi người. Nguyên nhân là do cách giải và đáp án không thể thuyết phục được người khác.
Đề bài toán yêu cầu lập một phép tính dựa trên các dữ kiện ban đầu là 9 cộng 9 chia 3 bằng bao nhiêu. Điều đáng nói là đề bài toán được viết bằng dạng chữ chứ không phải bằng phép toán như những bài tính thông thường. Với cách suy nghĩ đơn giản của học sinh tiểu học, các em sắp xếp thành 2 kết quả.
Kết quả đầu tiên là học sinh sử dụng dấu ngoặc để gộp phép cộng riêng, sau khi có kết quả phép cộng sẽ dùng nó để chia cho 3. Ta có phép tính (9 +9) : 3 = 6. Một số học sinh khác không giải theo cách này là ghi thẳng ra theo đề bài là 9 + 9 : 3 = 12. Dựa trên phép toán thứ 2, các học sinh đã áp dụng quy tắc "nhân chia trước, cộng trừ sau ", lấy 9 : 3 = 3, sau đó lấy 9 + 3 = 12.
Nhìn chung thì cách giải nào của học sinh cũng đúng và theo logic của toán học. Tuy nhiên, sau khi nộp đáp án lên cô giáo thì các em đều bị gạch sai khiến cả lớp đều hoang mang. Nhiều phụ huynh bày tỏ thắc mắc không hiểu vì sao con mình giải ra đáp án đúng nhưng lại bị cô giáo từ chối kết quả. Thậm chí, một số người còn cho rằng cô giáo không có năng lực giảng dạy hoặc cố tình đánh đố để hạ thấp điểm của học sinh.
Sau khi thấy nhiều phụ huynh phản đối, cô giáo đã lên tiếng lý giải: "Trong Toán học, phép chia và phép chia có dư hoàn toàn khác nhau. Chương trình trên lớp các em đang học đến phần phép chia có dư. Chính vì vậy đối với đề bài toán này, các em phải lập phép tính là: 9 + (3 : 9) = 9 + 1/3 thì mới đúng".
Mặc dù đã được cô giáo lý giải, các phụ huynh vẫn không hài lòng. Họ cho rằng ngay từ đầu đề bài đã không nêu rõ là yêu cầu ứng dụng phép chia có dư mà chỉ cho dữ kiện thô nên học sinh không thể chủ động tìm ra đáp án chính xác. Ngoài ra, việc cô giáo ra đề bài khiên cưỡng thế này mang tính thách đố nhiều hơn là giáo dục. Các học sinh cũng không học được gì nhiều từ bài toán lắt léo như trên.
Hiện nay, không thiếu tình trạng các giáo viên đưa ra những đề bài khó nhằm mục đích tạo cảm giác "chuyên nghiệp" hơn và khiến học sinh cảm thấy "yếu kém". Điều này không những không khiến các học sinh tiếp thu kiến thức tốt mà ngược lại sẽ càng khiến các em mặc cảm, tự ti với khả năng của mình dù không phải do lỗi của các em. Chính vì vậy giáo viên tìm kiếm những bài toán mới, logic, mang tính ứng dụng là tốt nhưng vẫn phải đặt vào thực tế để xem có phù hợp hay không và có hướng đến mục đích giáo dục cuối cùng hay không.