Trong đời sống hiện đại, nhai kẹo cao su là một hành động phổ biến đến mức tưởng như vô thưởng vô phạt. Nhiều người lựa chọn kẹo cao su như một giải pháp nhanh chóng để làm mới hơi thở, xoa dịu căng thẳng hoặc giữ tỉnh táo khi lái xe, làm việc. Thế nhưng, đằng sau vị ngọt và cảm giác sảng khoái tức thì ấy, liệu chúng ta có đang vô tình đưa cơ thể mình vào một “cuộc chơi” nguy hiểm?
Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) thực hiện và được trình bày tại Hội nghị của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ đã xác nhận điều đó. Nhóm nghiên cứu cho người tham gia nhai 10 loại kẹo cao su (gồm cả loại làm từ polymer tổng hợp và nguyên liệu tự nhiên) trong thời gian từ 4 đến 20 phút, sau đó phân tích mẫu nước bọt để thu thập hạt vi nhựa.
Kết quả cho thấy: chỉ 1 gram kẹo có thể thải ra tới 637 hạt vi nhựa, trong khi mỗi miếng kẹo thông thường nặng từ 2 đến 6 gram, tức bạn có thể nuốt hơn 1.000 hạt vi nhựa chỉ từ một lần nhai.
Thậm chí, các nhà khoa học còn cho biết có thể đã bỏ sót các hạt có kích thước dưới 20 micromet. Đặc biệt, 94% lượng vi nhựa được giải phóng xảy ra chỉ trong 8 phút đầu tiên của quá trình nhai. Sau đó, lượng vi nhựa giảm dần và ổn định trong suốt thời gian còn lại.
Theo tính toán, nếu một người nhai khoảng 160–180 miếng kẹo cao su mỗi năm, họ có thể nuốt vào tới 30.000 hạt nhựa siêu nhỏ mỗi năm mà không hề hay biết.
Vấn đề đáng lo hơn là vi nhựa không bị đào thải dễ dàng. Chúng có khả năng tích tụ trong các cơ quan như ruột, phổi, máu, thậm chí là não bộ. Theo nhiều nghiên cứu y học, vi nhựa có thể gây ra phản ứng viêm, làm tổn hại tế bào và ảnh hưởng đến hoạt động nội tạng nếu tồn tại lâu dài trong cơ thể. Với việc kẹo cao su thường được nhai hằng ngày, mức độ tích lũy vi nhựa là điều không thể xem nhẹ.
Vi nhựa là gì và vì sao có trong kẹo cao su?
Vi nhựa (microplastic) là những hạt nhựa siêu nhỏ, có kích thước dưới 5mm, thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong thành phần của nhiều loại kẹo cao su hiện nay, phần "cao su nền" không phải là nhựa cây tự nhiên như trước đây, mà là polymer tổng hợp, một dạng nhựa công nghiệp thường thấy trong lốp xe, keo dán hoặc vật liệu dẻo.
Khi nhai, do ma sát và áp lực từ hoạt động cơ hàm, lớp nền nhựa này có thể giải phóng các hạt vi nhựa vào nước bọt. Những hạt nhỏ li ti này không bị nhả ra mà sẽ được nuốt trực tiếp vào cơ thể.
Không chỉ là vi nhựa: những nguy cơ khác khi nhai kẹo quá thường xuyên
Nhai kẹo cao su kích thích dạ dày tiết dịch vị, tương tự như khi bạn đang chuẩn bị ăn. Tuy nhiên, nếu không có thức ăn thật sự đi vào, lượng axit dư thừa có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt ở những người có tiền sử viêm loét. Bên cạnh đó, hành động nhai liên tục còn khiến bạn nuốt nhiều không khí, dẫn đến tình trạng đầy hơi, chướng bụng và rối loạn tiêu hóa nhẹ.
Đáng lưu ý, với trẻ nhỏ việc nhai kẹo cao su thường xuyên có thể gây rối loạn chức năng ruột và làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về hấp thu.
Khớp thái dương hàm là bộ phận linh hoạt nhất của khuôn mặt, nhưng đồng thời cũng rất dễ bị quá tải nếu bị sử dụng liên tục. Những người có thói quen nhai kẹo cao su hàng giờ mỗi ngày thường gặp phải cảm giác mỏi hàm, đau đầu âm ỉ, thậm chí là tiếng kêu lục cục khi mở miệng.
Đặc biệt, việc chỉ nhai kẹo ở một bên hàm có thể gây lệch cơ mặt và mất cân bằng lực cắn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ gương mặt và sức khỏe răng miệng lâu dài.
Phần lớn các loại kẹo cao su hiện nay, dù được dán nhãn “không đường”, vẫn chứa chất làm ngọt nhân tạo như aspartame, sorbitol hoặc xylitol. Những chất này tuy giúp giảm calo, nhưng nếu tiêu thụ quá mức lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ rối loạn đường ruột, đau đầu, thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh nếu sử dụng lâu dài.
Ngoài ra, axit citric hoặc các phụ gia tạo hương trong kẹo có thể làm mòn men răng, dẫn đến ê buốt và sâu răng. Điều này càng đáng lo nếu người dùng không chú ý đến việc vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi nhai.
Có nên dừng hẳn việc nhai kẹo cao su?
Không cần phải "tẩy chay" hoàn toàn kẹo cao su, nhưng nếu bạn là người nhai nó mỗi ngày thậm chí nhiều lần trong ngày thì nên xem lại tần suất và loại kẹo bạn dùng.
Một vài lời khuyên hữu ích:
-
Ưu tiên các loại kẹo cao su có nguồn gốc tự nhiên (như từ nhựa cây chicle) – tuy khó tìm hơn nhưng thân thiện với sức khỏe.
-
Không nhai quá 10–15 phút/lần, và chỉ nên dùng sau bữa ăn thay vì suốt cả ngày.
-
Đọc kỹ thành phần: tránh những loại có quá nhiều chất tạo ngọt nhân tạo hoặc ghi “gum base” mà không rõ nguồn gốc.