Vài năm gần đây có vẻ phim Việt giờ vàng rất dễ bị bắt gặp với những chủ đề, nội dung thậm chí là những diễn viên theo một mô tuýp quen thuộc được "xào đi xào lại" khiến người xem "phát bực".
Đánh giá về chất lượng phim Việt thời điểm hiện tại, độc giả Việt đã đưa nhận xét: "Ngày nay, khi nghe nói tới phim Việt, cả phim chiếu rạp lẫn phim truyền hình, bất kể khán giả nghiêm túc nào cũng đều thấy ngán ngẩm. Coi phim Việt ngày nay, người ta không biết phim muốn nói điều gì, dù không thiếu diễn viên 'sao' này 'sao' nọ ."
1. Nội dung "cũ rích", lặp đi lặp lại
Hầu hết phim truyền hình Việt Nam khi lấy đề tài tâm lý - gia đình đều xây dựng hình ảnh những bà mẹ chồng thủ đoạn, cay nghiệt khiến người xem phải thốt lên: "Xem phim Việt mà chán không muốn lấy chồng", "sợ không dám sống chung với mẹ chồng".

Hầu hết kịch bản đều được đầu tư với motif rất đơn giản, không đầu tư quá nhiều chất xám và luôn lấy "nhân vật tiểu tam" để đẩy phim lên cao trào. Luôn tạo ra những tình huống vô lí và "đi vào lòng đất" nhằm gia tăng sự phẫn nộ, chửi mắng từ khán giả. Phía nhà làm phim có thể bất chấp tất cả miễn là phim có độ nhận diện cao trước công chúng.

Đỉnh điểm nhất màn ảnh Việt lúc này là bà Hiền của 'Thương Ngày Nắng Về' - vô lý, ích kỷ, tham lam và quá quắt... Bà Hiền không chỉ trở thành nỗi ám ảnh của Vân Khánh (Lan Phương) hay khán giả mà chính NSND Lan Hương cũng "hối hận" thừa nhận: "Ức chế thế chứ. Biết thế chẳng nhận vai này" hay "Tôi biết lỗi rồi. Từ nay không đóng loại này nữa nhé".
2. “Bội thực” với những phim chủ đề về gia đình
Quay đi quay lại là gia đình và chỉ có gia đình. Đó là phương án sản xuất an toàn ra một bộ phim để đảm bảo về mặt người xem và độ thảo luận cao.

Thế nhưng quá nhiều phim kiểu tương tự làm khán giả phát ngán vì nó thiếu đi tính sáng tạo, chỉ toàn xoay quanh mối quan hệ bố mẹ con cái, chồng vợ và người thứ ba…một bộ phim mới sản xuất nhưng với nội dung "cũ rích" và xoay quanh những vấn đề "cũ rích".
3. Nam chính giám đốc, cháu trai chủ tịch
Nam chính gần đây trong phim truyền hình Việt Nam được yêu thích xây dựng theo hình tượng tổng đài bá đạo, đẹp trai, ăn chơi, chung tình với nhiều cô gái, rất dầu mỡ và phông bạt. Và đặc biệt những nhân vật nam chính đó rất thích ăn giò chả và “động phòng” ở công ty.

Điển hình như nhân vật “shark” Long trong 'Hương vị tình thân', Gia An trong 'Trở về trong giấc mơ', Duy trong 'Thương ngày nắng về'.
4. Nữ chính nhà nghèo, có khả năng hô mưa gọi gió lọt vào mắt của các anh giám đốc đẹp trai
Điểm rất dễ bắt gặp ở truyền hình Việt Nam đó là hình tượng nữ chính thường là trung tâm của mọi câu chuyện, có khả năng hô mưa gọi gió và chi phối tất cả các tình tiết trong phim. Đặc điểm nói chuyện rất kệch cỡm, thách thức từ già tới trẻ. Lọt vào mắt xanh của vị giám đốc nào đó và phải thốt lên “cô gái này thật thú vị, tôi nhất định phải có được em”.
5. Tiểu tam nhưng lên mặt với chính thất
Dù biết mình sai, phận làm tiểu tam nhưng loạt kẻ thứ 3 phim Việt vẫn rất đam mê công khai giành chồng người. Thậm chí, có một số kẻ còn dằn mặt ngược lại chính thất, dùng mọi thủ đoạn để được đường hoàng kết hôn. Trà (Lương Thanh) ở Hoa Hồng Trên Ngực Trái, Nhã (Quỳnh Nga) ở Về Nhà Đi Con, Dương (Thục Anh) ở Hương Vị Tình Thân, tiểu tam (MC Huyền Trang) ở 11 Tháng 5 Ngày,...


6. Những chiếc caption vô tri từ page quảng bá phim
Một điều không thể thiếu đó là những câu từ vô nghĩa, mang tính khiêu khích, coi thường nhân vật, sặc mùi phản cảm của các page chính thức của bộ phim.
Đơn giản như “động phòng lần 2 tại công ty”, “nữ thư ký và giám đốc soái ca tận hưởng lãng mạn trên chiếc sofa”, “hôn tôi nhưng vẫn hẹn hò với người khác”, "anh sếp bị cô nàng ngổ ngáo độp thẳng mặt”... Chính những điều này tạo nên sự khó chịu, phản cảm đối với người xem và cả sự thiếu chuyên nghiệp, cẩu thả từ phía nhà sản xuất và người làm phim.
Những yếu tố này càng làm tăng thêm sự mệt mỏi, chán chường, mất niềm tin vào cuộc sống, họ thà "sính ngoại" xem những bộ phim nước ngoài còn hơn là xem phim của người Việt.

Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhà làm phim buộc phải lựa chọn giữa một bên là cảm xúc của khán giả và bên kia là lợi ích về kinh tế. Nhà làm phim muốn tồn tại, đương nhiên phải kiếm được tiền. Nhưng không có nghĩa nhà làm phim được phép làm phim dễ dãi, coi thường người xem, đặt lợi ích kinh tế lên trên tất cả. Bởi sau cùng, chẳng có thứ nghệ thuật "mỳ ăn liền" nào đủ sức giữ chân được công chúng mà niềm tin một khi đã đánh mất rồi, sẽ rất khó để lấy lại được.
Ảnh: tổng hợp