Cả nước Việt Nam có tổng cộng 87 thành phố, bao gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Riêng TP. Thủ Đức trực thuộc của TP.HCM. Ngoài ra, những thành phố khác đều đặt dưới sự quản lý của 58 tỉnh thành trải dọc khắp nước. Phần lớn tên của các thành phố đều được đặt gắn liền với địa danh, vị trí, đặc điểm của nơi đó và được cấu thành bởi 2 tiếng.
Tuy nhiên, Việt Nam có một thành phố sở hữu cái tên được xem là dài nhất trong số 87 thành phố trên cả nước. Thành phố này bao gồm 16 ký tự và tọa lạc tại dải đất miền Trung. Thành phố có tên dài nhất Việt Nam chính là Phan Rang - Tháp Chàm. Tên thành phố được cấu tạo từ 4 từ và dài 16 chữ cái. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Năm 1948, chính quyền cách mạng chia Ninh Thuận thành 5 vùng hành chính để điều hành chống Pháp. Đến tháng 8 cùng năm, vùng 5 được đổi tên thành Phan Rang - Tháp Chàm. Từ năm 1976 đến năm 1991, khi Ninh Thuận hợp nhất tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bình Tuy trở thành tỉnh Thuận Hải thì thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được xem là thị xã thứ hai thuộc tỉnh thành này , sau thị xã Phan Thiết.
Năm 1992, sau khi tỉnh Ninh Thuận được tái lập, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Thuận.
Theo lịch sử, tên gọi Phan Rang bắt nguồn từ cách gọi của người Chăm cổ, nguyên bản là "Pangdarang" hay "Pandaran". Sau này, người dân gọi địa danh trên là Bang Đô Lang, Bang Đồ Long, Phan Lung, Phan Lang, Man Rang hay Ran Ran.
Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, chia khu vực từ Phan Rang đến Bình Thuận thành 4 đạo là Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li và Phố Hài. Đến năm Minh Mạng thứ 13, trấn Thuận Thành đổi tên thành phủ Ninh Thuận và phủ Hàm Thuận. Năm Thành Thái thứ 13, triều Nguyễn lập ra tỉnh Phan Rang bao gồm Ninh Thuận, An Phước, Tân Khai.
Hiện nay, ở Phan Rang vô cùng nổi tiếng với nhiều địa danh cổ của người Chăm xưa. Đặc biệt là cụm tháp Chàm Po Klong Garai cách trung tâm thành phố 5 km về hướng Tây Bắc. Không những thế, ở Phan Rang - Tháp Chàm còn có làng gốm được xem là cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Nhiều tài liệu ghi chép cho thấy, làng gốm Bàu Trúc ở Phan Rang bắt nguồn từ Po K'long Chank - quan cận thần của vua Po K'long Giarai (1151-1205). Nghề làm gốm ở đây chủ yếu do phụ nữ đảm nhận, bao gồm các công đoạn đào đất, nung gốm, gánh gốm và đưa ra chợ bán.
Ảnh: Tổng hợp